Chương 18
Những công cụ chính xác tới mức phi lý
Hãy thử nghĩ về giáo viên khoa học khó tính nhất bạn từng học: người sẽ hạ
điểm của bạn nếu làm tròn không chính xác chữ số thứ sáu sau dấu thập
phân; chỉnh sửa từng học sinh nhầm “khối lượng” thành “trọng lượng”, mặc
áo phông in bảng tuần hoàn lại còn sơ vin và bắt tất cả (kể cả bản thân) phải
đeo kính bảo hộ ngay cả khi pha nước đường. Bây giờ hãy thử tưởng tượng
một người mà giáo viên của bạn rất ghét vì quá chính xác. Đó chính là
những người làm việc cho cục tiêu chuẩn và đo lường.
Hầu hết các quốc gia đều có văn phòng tiêu chuẩn, có nhiệm vụ đo lường
mọi thứ: từ một giây thực sự dài bao nhiêu đến lượng thủy ngân trong gan
bò mà bạn có thể ăn mà không ngộ độc – theo Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật
Quốc gia Mỹ (NIST) thì lượng đó rất nhỏ. Đối với các nhà khoa học làm
việc tại cục tiêu chuẩn, đo lường không chỉ là một công cụ hiện thực hóa
khoa học mà bản thân nó đã là một ngành khoa học. Tiến bộ trong bất kỳ
lĩnh vực nào – từ vũ trụ học hậu-Einstein cho đến tìm kiếm sinh vật sống
trên hành tinh khác – đều phụ thuộc vào việc ta có thể đo càng chính xác từ
các mẩu thông tin hiện đang nhỏ hơn bao giờ hết.
Vì các lý do lịch sử (những người theo trường phái Khai sáng của Pháp là
những người cuồng đo lường), Cục Cân đo Quốc tế (BIPM) ngoại ô Paris
đóng vai trò là cục tiêu chuẩn của các cục tiêu chuẩn, đảm bảo mọi “phân
cục” đều đúng tiêu chuẩn. Một trong những công việc đặc biệt của BIPM là
gìn giữ Kilogram Chuẩn Quốc tế: kilogram chính thức của thế giới. Đó là
một khối trụ bạch kim rộng 5 cm, chứa 90% là bạch kim với khối lượng
chính xác là 1,000000… kilogram (đến bao nhiêu chữ số thập phân tùy