Chúng ta đã nhắc đến Enrico Fermi trong một hoàn cảnh khá buồn: ông chết
vì ngộ độc beri sau một số thí nghiệm nguy hiểm và giành giải Nobel nhờ
các nguyên tố siêu urani mà ông không hề tìm ra. Nhưng tôi sẽ thật tệ nếu
khiến cho độc giả có ấn tượng xấu về nhà khoa học kiệt xuất này. Giới khoa
học toàn cầu vẫn luôn yêu quý Fermi mà không hề e ngại. Tên ông được đặt
cho nguyên tố thứ 100 (fermi) và ông được xem là nhà khoa học lý thuyết
kiêm thực nghiệm vĩ đại cuối cùng – người mà bạn có thể bắt gặp tay vừa
bám đầy dầu mỡ từ máy móc và vừa đầy phấn trắng vì viết bảng. Đầu óc
ông vô cùng nhanh nhạy. Trong các cuộc họp, đôi khi các đồng nghiệp phải
chạy về văn phòng để tìm lại các phương trình bí mật nhằm giải quyết một
số vấn đề. Thường khi họ quay lại thì Fermi sốt ruột đã suy được toàn bộ
phương trình và tính ra đáp án họ cần rồi. Một lần, ông yêu cầu cấp dưới đo
xem bụi trên các cửa sổ bẩn nổi tiếng trong phòng thí nghiệm dày khoảng
bao nhiêu milimet trước khi chúng bắt đầu rơi xuống sàn nhà bởi trọng
lượng của chính mình. Lịch sử không ghi lại câu trả lời, mà chỉ có câu hỏi
tinh quái này.*
Tuy nhiên, ngay cả Fermi cũng phải vò đầu bứt tai khi gặp câu hỏi đơn giản
nhưng đầy ám ảnh này. Như đã đề cập ở phần trước, nhiều nhà triết học lấy
làm ngạc nhiên rằng vũ trụ dường như được tinh chỉnh để tạo ra sự sống bởi
một số hằng số cơ bản có giá trị “hoàn hảo”. Hơn nữa, các nhà khoa học từ
lâu đã đinh ninh (theo lối tư duy mà họ tin định nghĩa về giây không nên dựa
vào quỹ đạo Trái Đất) rằng Trái Đất chẳng phải là ngoại lệ trong vũ trụ. Sự
bình thường đó cùng hằng hà sa số các ngôi sao và hành tinh, trong thời gian
tưởng như vô tận kể từ Vụ nổ Lớn (bỏ qua mọi vấn đề tôn giáo lằng nhằng),
vũ trụ đáng lẽ phải tràn đầy sự sống. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ chưa
từng gặp các sinh vật ngoài hành tinh mà còn chưa từng nhận được một lời
chào nào. Khi nghiền ngẫm về những sự thật mâu thuẫn đó vào một bữa
trưa, Fermi đã gào lên với các đồng nghiệp: “Vậy họ đang ở đâu?”, như thể
trông đợi một ai đó đáp lại.