về silic. Họ làm vậy một phần vì gecmani rất thất thường. Dẫn điện rất tốt
cũng kèm theo nhiệt lượng không mong muốn, khiến transistor gecmani bị
ngưng trệ ở nhiệt độ cao. Quan trọng hơn, silic (thành phần chính của cát) có
lẽ còn rẻ hơn cả đất. Dẫu vẫn trung thành với gecmani nhưng các nhà khoa
học đã dành rất nhiều thời gian mộng mơ về silic.
Đột nhiên, tại một cuộc họp về ngành bán dẫn cùng năm, một kỹ sư táo bạo
đến từ Texas đã đứng dậy sau bài phát biểu chán ngắt về sự bất khả thi của
transistor silic và tuyên bố rằng mình thực sự có một transistor silic trong
túi. Liệu đám đông có thích thú thử nghiệm chăng? Anh chàng ra vẻ P. T.
Barnum
1
này (tên thật là Gordon Teal) đã nối một máy nghe nhạc chạy bằng
gecmani với loa ngoài và nhúng thẳng bộ phận bên trong vào thùng dầu sôi.
Đúng như dự đoán, nó ngắc ngứ rồi tịt ngóm. Teal nhấc máy nghe nhạc khỏi
dầu, lấy transistor gecmani ra và lắp transistor bằng silic vào. Anh thả nó
vào dầu một lần nữa. Tiếng nhạc vẫn vang lên. Khi đám đông nhân viên bán
hàng đang chen lấn đến được các bốt điện thoại sau hội trường thì gecmani
đã thành phế liệu.
1
. Phineas Taylor Barnum (1810-1891) là chủ rạp xiếc, chính khách và
thương nhân người Mỹ. Tên ông được đặt cho Hiệu ứng Barnum. (BTV)
May mắn cho Bardeen, câu chuyện về transistor của ông đã kết thúc có hậu,
dù có vụng về. Công trình về chất bán dẫn gecmani quan trọng đến mức
ông, Brattain và cả (hầyyy) Shockley đều đoạt giải Nobel Vật lý năm 1956.
Bardeen biết tin này qua radio (lúc đó hẳn chạy bằng silic) khi đang chuẩn bị
bữa sáng. Quá bối rối, ông đã đánh rơi món trứng bác của gia đình xuống
sàn. Đó không phải khoảnh khắc hậu đậu duy nhất xung quanh giải Nobel
của ông. Vài ngày trước lễ trao giải ở Thụy Điển, ông giặt nơ và áo vest
trắng với quần áo màu khiến chúng bị nhuộm thành màu xanh lá cây (giống
trang phục của sinh viên). Vào ngày diễn ra buổi lễ, ông và Brattain căng
thẳng trước việc diện kiến đức vua Thụy Điển Gustaf VI Adolf đến mức
phải dùng thuốc ký ninh để ổn định bụng dạ. Nhưng cũng chẳng ích gì khi
nhà vua trách Bardeen vì đã bắt các con trai ở lại Harvard học thay vì đến