thuyết phục ông rằng thuê hàng ngàn người để nối transistor là điều ngớ
ngẩn, và sự vắng mặt của cấp trên đã cho ông khoảng thời gian tự do để theo
đuổi ý tưởng mới: mạch tích hợp. Transistor silic không phải bộ phận duy
nhất của mạch điện cần được hàn thủ công. Các điện trở cacbon và tụ điện
sứ cũng phải được nối với nhau bằng dây đồng. Kilby đã loại bỏ việc lắp các
bộ phận riêng biệt và khắc mọi thứ – điện trở, transistor, tụ điện – vào một
khối bán dẫn vững chắc. Một ý tưởng tuyệt vời, là sự khác biệt cả về mặt
cấu trúc và nghệ thuật – giống như tạc một bức tượng từ đá cẩm thạch
nguyên khối thay vì chạm khắc từng chi tiết rồi cố ghép nối bằng dây.
Không tin tưởng vào độ tinh khiết của silic được dùng để chế tạo điện trở và
tụ điện, ông đã chuyển sang dùng gecmani cho nguyên mẫu.
Cuối cùng, mạch tích hợp này đã giải phóng các kỹ sư khỏi sự chuyên chế
số lượng do lắp ráp thủ công gây ra. Do mọi bộ phận đều được làm từ cùng
một khối nên không cần hàn chúng với nhau nữa. Trên thực tế, chẳng còn ai
làm được điều này, vì mạch tích hợp cũng cho phép kỹ sư tự động hóa quá
trình khắc và tạo ra các bộ transistor siêu nhỏ – các chip máy tính thực sự
đầu tiên. Kilby chưa từng được ghi công đầy đủ cho phát minh của mình
(vài tháng sau, một học trò của Shockley nộp bằng sáng chế cạnh tranh chi
tiết hơn chút và đã cướp trắng quyền sở hữu trí tuệ từ tay công ty của Kilby),
nhưng những người đam mê kỹ thuật ngày nay vẫn dành tặng cho ông
những lời tri ân sâu sắc nhất. Trong một lĩnh vực mà vòng đời sản phẩm
được đo bằng tháng này, mãi 50 năm sau, các con chip vẫn được sản xuất
dựa trên thiết kế cơ bản của Kilby. Và năm 2000, ông mới được nhận giải
Nobel muộn màng cho mạch tích hợp của mình.*
Mặc dù vậy, đáng buồn là không gì có thể phục hồi danh tiếng của gecmani.
Mạch gecmani nguyên gốc của Kilby được đặt ở Viện Smithsonian, nhưng
gecmani không thể trụ được trước silic (quá rẻ và sẵn có) trong một thị
trường cạnh tranh khốc liệt. Isaac Newton có câu nói nổi tiếng rằng ông đạt
được mọi thứ nhờ đứng trên vai những người khổng lồ – các tiền bối khoa
học với các phát minh làm nền tảng cho những công trình của Newton. Ta