có thể nói điều tương tự về silic. Silic trở thành một biểu tượng sau khi
gecmani làm mọi việc (và bị lu mờ trên bảng tuần hoàn).
Thực ra, đó là số phận chung của những gì liên quan đến bảng tuần hoàn.
Hầu hết nguyên tố đều chịu kiếp vô danh mà chúng không đáng phải nhận.
Thậm chí, tên các nhà khoa học phát hiện ra nhiều nguyên tố và những
người sắp xếp chúng vào các bảng tuần hoàn đầu tiên cũng bị lãng quên từ
lâu. Nhưng cũng giống như silic, vài cái tên đã lưu danh sử sách dù không
phải luôn nhờ ý tốt. Những nhà khoa học nghiên cứu các bảng tuần hoàn sơ
khai đều nhận ra sự giống nhau giữa một số nguyên tố nhất định. “Bộ ba hóa
học” (như ví dụ thời nay về cacbon, silic và gecmani) là đầu mối đầu tiên
gợi mở về sự tồn tại của bảng tuần hoàn. Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã
nhanh nhạy hơn khi nhận ra những đặc điểm tinh tế – “tính trạng” trong các
nhóm của bảng tuần hoàn (tương tự lúm đồng tiền hay mũi vẹo ở người). Do
biết cách truy tìm và dự đoán những điểm tương đồng như vậy mà chẳng
bao lâu sau, nhà khoa học Dmitri Mendeleev đã ghi tên mình vào lịch sử với
tư cách cha đẻ của bảng tuần hoàn.