Chương 4
Khởi nguồn của các nguyên tử: “Chúng ta
đều sinh ra từ bụi sao”
Các nguyên tố đến từ đâu? Trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà khoa học vẫn
luôn cho rằng chúng chẳng đến từ đâu cả. Có rất nhiều lý thuyết siêu hình
tranh cãi về việc ai (hoặc Đấng Sáng Tạo nào) tạo ra vũ trụ và tại sao, nhưng
tất cả đều đồng thuận rằng mọi nguyên tố đã tồn tại kể từ khi vũ trụ sinh ra.
Chúng vô thủy vô chung, trường tồn cùng thời gian và thi gan cùng tuế
nguyệt. Các lý thuyết mới hơn (như thuyết Vụ nổ Lớn vào những năm 1930)
đã áp dụng quan điểm này. Điểm cực nhỏ ấy tồn tại từ 14 tỷ năm trước, chứa
đựng tất cả vật chất trong vũ trụ và mọi thứ ta thấy ngày nay đều xuất phát
từ đó. Chúng chưa mang hình dạng của vương miện kim cương, lon thiếc
hay lá nhôm mà tồn tại dưới dạng các nguyên tử. (Một nhà khoa học tính
toán rằng phải mất mười phút để Vụ nổ Lớn tạo ra toàn bộ vật chất đã biết,
rồi dí dỏm nói: “Nấu các nguyên tố còn nhanh hơn là nấu thịt vịt và khoai
tây nướng.”) Đó lại là một quan điểm theo lẽ thường: lịch sử thiên văn bền
vững của các nguyên tố.
Vài thập kỷ sau, lý thuyết đó bắt đầu gây tranh cãi. Năm 1939*, các nhà
khoa học Đức và Mỹ đã chứng minh rằng Mặt Trời và các ngôi sao khác tự
gia nhiệt bằng cách hợp hạch
1
hydro thành heli, giải phóng nguồn năng
lượng khổng lồ bất chấp kích thước cực nhỏ của nguyên tử. Một số nhà khoa
học đồng ý rằng số lượng hydro và heli có thay đổi (dù rất ít), nhưng không
có bằng chứng nào cho thấy số lượng của các nguyên tố khác thay đổi cả.
Khi kính thiên văn ngày càng được cải thiện, nhiều khúc mắc cũng xuất hiện
theo. Về lý thuyết, Vụ nổ Lớn phải giải phóng các nguyên tố đồng đều theo