các vụ nổ siêu tân tinh. Sau khi cạn kiệt các nguyên tố như magie và silic,
các ngôi sao cực lớn (nặng gấp 12 lần Mặt Trời của chúng ta) sẽ hợp hạch
lõi sắt trong khoảng thời gian tương đương một ngày trên Trái Đất. Trước
khi diệt vong, nó phát ra một tiếng gào thảm khốc để báo hiệu cái chết của
mình. Không thể duy trì khối lượng lâu hơn được nữa, các ngôi sao cạn kiệt
năng lượng sẽ sụp đổ dưới lực hấp dẫn khổng lồ của chính mình, co lại hàng
ngàn kilomet chỉ trong vài giây. Các proton và electron tại lõi tự hút lẫn
nhau để tạo thành neutron, mãi cho đến khi hầu như chỉ còn lại neutron (lúc
này proton và electron chỉ còn lại rất ít). Sau khi co lại tới cực hạn, chúng
bùng nổ ngược ra ngoài. Phải, bùng nổ theo đúng nghĩa đen của từ này.
Trong khoảnh khắc huy hoàng cuối cùng của cuộc đời mình (kéo dài trong
thời gian bằng khoảng một tháng trên Trái Đất), chúng tạo ra vụ nổ siêu tân
tinh trải dài hàng triệu kilomet và sáng hơn một tỷ ngôi sao gộp lại. Chính
trong vụ nổ siêu tân tinh này, vô số hạt với động lượng rất lớn va vào nhau
với tần suất lớn đến mức nhảy qua cả hàng rào năng lượng bình thường và
hợp hạch cùng với những nguyên tử sắt trước đó. Nhiều hạt nhân sắt được
bao phủ bởi neutron, một số neutron trong đó phân rã trở lại thành proton và
tạo ra các nguyên tố mới. Trận bão hạt này tạo ra mọi nguyên tố cùng các
đồng vị của chúng.
Chỉ riêng thiên hà của chúng ta đã có hàng trăm triệu vụ nổ siêu tân tinh trải
qua vòng luân hồi này. Một vụ nổ như vậy đã tạo nên Hệ Mặt Trời ngày nay.
Khoảng 4,6 tỷ năm trước, một vụ nổ siêu tân tinh đã gây ra tiếng nổ siêu âm
và thổi bay đám bụi không gian rộng khoảng 24 tỷ kilomet (tàn tích của ít
nhất hai ngôi sao). Đám bụi hòa lẫn với bọt từ vụ nổ siêu tân tinh, và toàn bộ
mớ hỗn độn bắt đầu cuộn xoáy như mặt ao khổng lồ bị khuấy động. Nhiệt
độ phần lõi đặc của đám mây gia tăng nhanh chóng và tạo thành Mặt Trời
(ngôi sao này là thành phẩm của các ngôi sao trước đó), các thiên thể khác
bắt đầu kết tụ lại. Các hành tinh ấn tượng nhất (hành tính khí khổng lồ) hình
thành khi một cơn gió mặt trời – dòng vật chất phun từ Mặt Trời – thổi các
nguyên tố nhẹ hơn ra rìa. Trong đó, Sao Mộc chứa nhiều khí nhất; do nhiều
nguyên nhân mà nó trở thành nơi trú ngụ tuyệt vời cho các nguyên tố vì