KHẢ NĂNG GIÁO DỤC TRẺ TỪ
0 TUỔI LÀ VÔ TẬN
Thay lời giải thích
Ông Tago Akira – Giảng viên Đại học Chiba
Một trong những mẩu chuyện nổi tiếng về thời niên thiếu của Ibuka Masaru
là hễ nhìn thấy đồng hồ báo thức hay các món đồ chơi phức tạp, và chỉ cần có
nó trong tay là cậu bé Ibuka sẽ tháo rời ngay ra thành từng mảnh. Đến nỗi, họ
hàng mà biết tin cậu bé tới chơi là vội bảo nhau: “Masaru đến chơi đấy, hãy
cất đồng hồ đi”. Tính cách hiếu kỳ và lòng ham tìm hiểu – việc gì đã hứng thú
thì sẽ chăm chú vào đó, và phải tìm cho ra được nguyên lý, kết cấu của nó
mới thôi mà mỗi lần tiếp xúc tôi đều cảm nhận mạnh mẽ ở Ibuka Masaru, có
lẽ thực ra đã được thành hình từ thời thơ ấu. Nếu nhìn từ quan điểm của giáo
dục trẻ tuổi ấu thơ cũng là một việc đáng được quan tâm sâu sắc. Có lẽ đây
chính là khởi nguồn cho tính sáng tạo tuyệt vời ở một người Nhật Bản, Ibuka
Masaru, và nuôi lớn khả năng kỹ thuật độc đáo của Sony – nơi đã đem lại cho
thế giới nhiều thành tựu đi trước chẳng hạn như đài bán dẫn…
Chính vì một Ibuka như thế nên ngay cả những quan điểm về giáo dục của
ông cũng rất độc đáo. Khi nói về cải cách giáo dục, hầu hết người bình
thường sẽ nghĩ ngay đến giáo dục trong nhà trường, nhưng Ibuka đã vượt ra
cái khung định sẵn đó. Ông đã nhìn ra được rằng: Giáo dục con người thực sự
phải là nền giáo dục chú trọng vào thời kỳ để phát huy khả năng của một đứa
trẻ đến mức cực đại, là thời kỳ trước cả khi đi học – thời kỳ trước khi trẻ 3
tuổi. Tuy nhiên, càng đi sâu nghiên cứu, chủ trương đó càng ngày càng “cực
đoan” hơn nữa, vì không chỉ là 3 tuổi, giáo dục thực ra phải bắt đầu từ khi đứa
trẻ đó vừa chào đời. Không, thậm chí là trước khi chào đời, khi đang còn
trong bụng mẹ, công cuộc tạo ra một con người đã đang bắt đầu rồi. Tất
nhiên, “sự tiến hóa” của “quan điểm Ibuka” này, là kết quả sau bao nhiêu
tranh luận, của bao nhiêu chất vấn căng thẳng gay gắt với các nhà chuyên
môn, với các nhà tâm lý học về đại não. Nhưng khác với các nhà chuyên môn
luôn luôn chỉ dám bó hẹp trong cái khung sẵn có, Ibuka luôn luôn nhìn trước
được tận mấy bước rồi. Cách nghĩ đối với giáo dục trẻ tuổi ấu thơ của Ibuka