CHẶNG ĐƯỜNG GIÁO DỤC TRẺ
THƠ MÀ TÔI ĐÃ ĐI
Ibuka Masaru
Đến nay, tôi đã có trên 25 năm làm việc liên quan đến giáo dục. Tất nhiên,
trong lĩnh vực này tôi vẫn chỉ được coi là một người nghiệp dư. Nhưng chính
vì thế, có những việc mà các nhà chuyên môn khó nhận ra thì đôi khi tôi lại
nhìn thấy rất rõ ràng. Cứ thế, theo cách riêng của mình, tôi đã tiếp tục công
việc nghiên cứu từ bấy giờ cho đến nay.
Cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” được xuất bản trước đó tập trung vào
khả năng vô hạn mà trẻ sơ sinh có, là cuốn sách đầu tiên tóm tắt lại những
luận thuyết về giáo dục của tôi. Tuy nhiên, nội dung cuốn sách mới chỉ đưa ra
những vấn đề tại thời điểm năm Chiêu Hòa 46(*). Sau này, cùng với sự phát
triển của y học như về sinh lý học đại não, năng lực tuyệt vời mà trẻ sơ sinh,
trẻ nhũ nhi có càng được khẳng định chắc chắn. Quan điểm về giáo dục trẻ
tuổi ấu thơ của tôi vì thế cũng có nhiều thay đổi. Thậm chí, bây giờ tôi cho
rằng chính “thai giáo” đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình giáo dục
trẻ thơ.
(*) Năm Chiêu Hòa 46: Tức năm 1971.
Gần đây, tôi có viết một số cuốn sách, và cứ mỗi lần viết, cách nghĩ về nội
dung cần dạy cũng như thời kỳ nên bắt đầu dạy trẻ của tôi có vẻ thay đổi hoàn
toàn. Tuy nhiên, dù có thay đổi gì thì chủ trương “tính cách và nhân cách của
trẻ phụ thuộc vào cách nuôi dạy” không những không suy giảm, mà càng
được khẳng định mạnh mẽ hơn. Hi vọng rằng các bạn sẽ hiểu cho những suy
nghĩ đó của tôi.
(Trích Lời mở đầu khi xuất bản bản Aizo(*), năm 1991)
(*) Bản Aizo là bản ghi những ý quan trọng của tác phẩm, thường được trình
bày đẹp và chắc chắn để lưu giữ và bảo quản được lâu.