não em bé như tờ giấy trắng cho nên chờ đến 3 tuổi mới bắt đầu dạy bé thì
đúng là quá muộn. Thậm chí đúng ra là “bắt đầu dạy dỗ sớm chừng nào hay
chừng nấy”.
(*) Cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”.
“Thời kỳ khuôn mẫu” quyết định con người
Bắt đầu càng sớm càng tốt nhưng không có nghĩa là nội dung đáng lẽ dạy cho
bé 4 – 5 tuổi thì đem dạy luôn cho bé 1 – 2 tuổi. Cha mẹ cần phân biệt rõ cách
dạy dỗ từ sau khi bé 4 tuổi, với cách dạy dỗ khi bé 0 – 2 tuổi. Về điểm này,
suy nghĩ của tôi rõ ràng hơn trước đây rất nhiều.
Giai đoạn thứ nhất, từ khi bé 0 tuổi, là thời kỳ bé chưa phản kháng gì, cứ lặp
đi lặp lại nhiều lần cho bé nhớ là được. Giai đoạn thứ hai, từ khi bé 3 – 4 tuổi,
là khi bé đã biết bày tỏ sở thích của mình. Thời kỳ này, cần phải làm cho bé
cảm thấy thuyết phục thì bé mới nghe theo. Theo tôi, giai đoạn thứ nhất vô
cùng quan trọng, tôi gọi đây là “thời kỳ khuôn mẫu”, “tuổi khuôn mẫu”.
Ở thời kỳ này, cách mà bộ não các bé tiếp nhận thông tin hơi khác so với các
thời kỳ khác. Ví dụ, nhanh thì 3 – 4 tháng tuổi; chậm thì 5 – 6 tháng tuổi là
các bé bắt đầu biết “lạ” – biết phân biệt được khuôn mặt của mẹ với người
khác và khóc khi người lạ bế. Thoạt nhìn, chắc chúng ta đều nghĩ đây chỉ là
một hành động rất đơn giản, nhưng thử cho máy tính thực hiện cùng một yêu
cầu như thế sẽ thấy, phải là loại máy vô cùng tân tiến và phải tốn đến vài tỉ
yên(*) mới làm được thao tác này. Lý do em bé có thể nhận biết được chỉ
trong khoảnh khắc như vậy, là vì em bé không phân tích ra từng chi tiết của
khuôn mặt để ghi nhớ, mà ghi nhớ tổng thể cả gương mặt mẹ, rồi khắc
nguyên trong đầu khuôn mẫu gương mặt của mẹ. Cách nắm bắt thông tin này
gọi là “nhận thức khuôn mẫu”. Ở các em bé, khả năng này phát triển một cách
vượt trội, đó là lý do vì sao tôi đặt tên cho thời kỳ này như vậy.
Nói cách khác, sở dĩ chúng ta ai cũng có thể nói được tiếng Việt là vì từ lúc
sinh ra hàng ngày đã được nghe lặp đi lặp lại quen tai, và đối với các kích
thích lặp đi lặp lại từ lúc 0 tuổi này, các tuyến của tế bào não đã ghi nhận
thành một khuôn mẫu. Nhờ đó bộ não tiếp nhận nó một cách tự nhiên dễ
dàng, không công kích, không khó khăn. Những thông tin được khắc vào đầu
theo kiểu khuôn mẫu trong thời kỳ khuôn mẫu này, không phải là do thấy hợp
logic, hay do học thuộc lòng mà nhớ. Nó giống như khi chúng ta nói tiếng
Việt vậy, đâu cần phải cứ mỗi lần nói lại lục lại ngữ pháp để xem nói có đúng
không. Nhớ được là vì cấu tạo của chính bộ não đã được thiết lập để nhớ vậy
thôi. Xét theo nghĩa đó, có thể nói khả năng này gần như là tố chất, hoặc là tài
năng cũng được.
(*) 1 tỉ yên tương đương khoảng 21 tỉ VND.