cũng tuyệt nhiên không can thiệp và hỏi lý do tại sao ông đánh mà chờ sau đó
mới hỏi. Sau này khi thái tử trưởng thành người ta hỏi lại thái tử đều không
nhớ chút gì về những việc đã xảy ra hồi thơ bé. Rất hi vọng trong quá trình
nuôi dạy con, các bà mẹ sẽ noi gương Hoàng hậu với tư cách là một người
mẹ, giai đoạn cần nghiêm khắc thì sẽ nghiêm khắc với con.
11. Nếu ngày nào cũng mắng trẻ, sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ “nhờn với việc bị
mắng”
Từ lúc sinh ra đến khoảng 2 – 3 tuổi trẻ có khả năng hấp thụ tất cả các kích
thích từ thế giới bên ngoài với sự nhạy cảm đến ngạc nhiên. Đã có nhiều tài
liệu thực tế chứng minh rằng cùng một kích thích ngày nào cũng lặp đi lặp lại
thì nó sẽ định hình trong não, trở thành một năng lực của trẻ.
Ví dụ dễ hiểu nhất là việc “trẻ con nói tiếng Nhật”. Ngày xưa, người ta quan
niệm rằng trẻ con nói được tiếng Nhật là nhờ gen di truyền. Nhưng thực ra là
vì từ lúc sinh ra, hàng ngày trẻ được tiếp nhận kích thích tiếng Nhật từ người
lớn xung quanh nói chuyện, cho nên hình thành khả năng có thể nói tiếng
Nhật. Trẻ con bộ tộc Inuit(*) có thể sống một cách mạnh khỏe giữa thời tiết
vô cùng băng giá cũng chính vì từ bé đã sống trong cái “lạnh”, nên khả năng
chịu lạnh rất tốt. Đây cũng là điều tôi nhấn mạnh trong việc mang lại những
kích thích tốt cho trẻ ở giai đoạn này.
Ngược lại, điều này cũng có nghĩa trong thời kỳ khuôn mẫu, nếu những kích
thích xấu mà cũng lặp đi lặp lại thì dần dần sẽ hình thành khả năng xấu trong
trẻ. Nếu người mẹ dễ nổi cáu, mỗi khi con khóc lại nổi giận, la mắng thì dần
dần sẽ định hình trong não đứa trẻ khả năng xấu là thản nhiên nghe mắng.
Người mẹ hàng ngày hát cho con nghe những bài hát ru sai điệu thì dẫn đến
đứa trẻ bị mù âm nhạc. Lớn lên với người mẹ thường nói xấu cha, sẽ hình
thành trong đứa trẻ sự coi thường cha mình.
(*) Người Inuit hay còn gọi là người Eskimo, là dân tộc bản địa sống trên
vùng băng giá phân bố từ Đông Siberia (Nga) qua Alaska (Hoa Kỳ), Canada
và Greenland.
Với cách nuôi dạy như thế, đến khi đứa trẻ lớn lên, đi mẫu giáo thì các bà mẹ
lại than thở “con tôi nói thế nào cũng chẳng biết nghe lời gì cả”. Đứa trẻ quen
với việc bị mắng, mù âm nhạc, coi thường người cha… đều không phải do
gen di truyền mà đó chính là kết quả do cách dạy dỗ của người mẹ gây ra.
Mong các bà mẹ hãy khắc cốt ghi tâm rằng, khởi đầu sai hướng thì không thể
nào đến đích an toàn, sau này dù nhận ra muốn thay đổi thì cũng không phải
việc có thể sửa đổi trong ngày một ngày hai được.
Khả năng là cái mà sinh mệnh đã trang bị cho bản thân đối với các kích thích
lặp đi lặp lại, không phân biệt tốt, xấu, đẹp hay không đẹp. Đây chính là
nguyên tắc khả năng mà thầy Suzuki Shinichi đã nói.