Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân khiến những đứa trẻ hoặc lớp trẻ có
tính cách này chính là do thái độ khi nuôi dạy con trong thời kỳ thơ ấu của
người mẹ. Khi cần nghiêm khắc thì nuông chiều, bao bọc, không nghiêm
khắc; khi con vào mẫu giáo hoặc đi học thì lại phó mặc hết cho nhà trường.
Như thế con thành đứa trẻ nhu nhược, không có ý chí cũng là điều đương
nhiên. Ở giai đoạn bé có thể tiếp nhận việc dạy dỗ nghiêm khắc không phản
kháng, bạn lại không nghiêm khắc mà bao bọc quá kỹ thì đương nhiên bé sẽ
quen với việc nuông chiều của cha mẹ. Hiện nay, có một thực trạng là khi vào
mẫu giáo và đi học thì căn bệnh quen được nuông chiều này lại càng nặng
hơn nữa. Ở trường, thầy cô mới chỉ hơi mắng mỏ trẻ là bố mẹ đã ngay lập tức
đến trường kiện cáo làm ầm lên. Giờ thể dục bị xây xát tí thì bố mẹ đã đòi
trường tiền bồi thường. Tất cả những điều đó khiến trẻ dù có muốn cũng
không thể nào phát huy tính tự lập được. Tất nhiên, gần đây ở phía thầy cô
giáo cũng có một số vấn đề. Tuy nhiên, dám đương đầu với thử thách, khó
khăn là tính cách mà chỉ có bố mẹ mới nuôi dưỡng cho con được mà thôi. Và
thời kỳ để nuôi dưỡng tính cách này là cho đến năm 3 tuổi, do đó, nếu bỏ lỡ
thì không thể nào làm lại được nữa.
Ông Hashimoto Meiji – một họa sĩ hàng đầu trong giới mỹ thuật của Nhật
tâm sự rằng, thời thơ ấu ông được gia đình bao bọc quá mức tất cả mọi thứ.
Do đó, ông trở thành một người không hề có ý chí. Từ lúc sinh ra đã được
ông bà chiều chuộng hết mực, được bà ôm ngủ cho đến tận năm 13 tuổi. Ông
mới chỉ hơi bị cảm là mọi người đã vô cùng lo lắng. Hôm nào trời trở lạnh là
ông nội ông đều bảo bố ông mang theo cả chăn lụa tơ tằm đến tận trường đón.
Hashimoto nhận ra nhược điểm thiếu ý chí của mình nên khi vào cấp 2 đã tìm
mọi cách để sửa bằng được. Cuối cùng thì ông cũng thành công. Và hình
thành một Hashimoto vừa mang tấm lòng biết ơn tình yêu thương của ông bà
vừa trải qua khó khăn để khắc phục yếu điểm. Điều đó giúp ông tái hiện được
thế giới trong tranh vô cùng độc đáo, có sự hài hòa giữa nét ấm áp với sự
khắc nghiệt. Phong cách tranh đó của ông chắc chắn không thể nói là không
liên quan đến giáo dục thời ấu thơ và những nỗ lực sau này của ông. “Cái gì
quá đều không tốt”, không gì gây hại cho con bằng việc nuông chiều thái quá
của cha mẹ trong thời kỳ thơ ấu. Thực tế là nuông chiều sẽ thành cái vòng
luẩn quẩn: cha mẹ nuông chiều kéo theo con trở thành một người yếu đuối,
nhu nhược, cha mẹ lại coi đó là dễ thương, lại càng chiều hơn nữa. Kết quả là
khi trưởng thành bước vào vòng xoáy cuộc đời, người khổ cực nhất lại chính
là đứa trẻ được lớn lên với sự nuông chiều quá đáng đó. Do đó, nếu cha mẹ
thực sự nghĩ cho tương lai đứa trẻ thì hãy nghiêm khắc trong khi dạy con ở
giai đoạn ấu thơ này.
13. Trong thời kỳ thơ ấu, đối xử với trẻ theo “kiểu trẻ con” là ngắt đi
“mầm tự lập” trong trẻ