thả bê tha mà lại mong con được thành người vĩ đại là điều không thể.
Thường ngày bậc làm cha mẹ hãy sống làm sao để bất cứ khi nào, bất cứ nơi
đâu dù có bị con trẻ nhìn vóc dáng đằng sau cũng không có gì phải cảm thấy
xấu hổ. Vóc dáng cha mẹ chắp hai tay và thành tâm cầu niệm trước thần Phật,
vóc dáng cha mẹ đêm hôm vẫn cặm cụi cố hết sức mình để làm việc, vóc
dáng cha mẹ đứng ra để bảo vệ con. Những vóc dáng đấy của cha mẹ chắc
chắn đều sẽ khắc ghi vào trong tâm hồn của con những điều thật lớn lao và
đẹp đẽ.
17. Mẹ sợ gì con sợ đấy
Đây là câu chuyện tôi được nghe kể lại từ bạn mình. Ở một thị trấn ngoại
thành Tokyo, có một người mẹ mắc chứng sợ độ cao. Chỉ đứng trên tầng ba,
tầng bốn của chung cư nhìn xuống là tay chân đã run lẩy bẩy, mắt hoa cả rồi.
Vì thế, sau khi lấy chồng bà không thể sống được ở những khu chung cư cao
tầng, đành phải sống ở khu nhà một tầng ở ngoại thành mặc dù bất tiện.
Bà sinh được ba người con gái. Đứa con đầu sợ độ cao y hệt mẹ mình, không
dám leo thang hay trèo cây gì cả. Thấy con như thế, dường như người mẹ đã
nhận thấy trách nhiệm phần nhiều là do mình. Dù vậy, khi cùng con đi dã
ngoại chị cũng không thể nào dám bước qua cầu treo, hai mẹ con đành phải
nắm lấy sợi dây cáp và bỏ cuộc đứng yên tại đó. Người mẹ băn khoăn không
hiểu đặc tính này liệu có phải do di truyền không. Đến đứa con thứ hai bà lấy
hết quyết tâm cố không để cho con thấy mình sợ độ cao, còn quyết chí dẫn
con tới cả những chỗ rất cao nữa.
Kết quả cho thấy đứa con đầu bị chứng sợ độ cao cũng chỉ vì nhìn thấy mẹ sợ
hãi mà ra. Thấy mẹ sợ không dám băng qua cầu treo thì dù đứa trẻ có thắc
mắc những chỗ trên cao đáng sợ đến thế sao, cũng phải sợ theo là điều dễ
hiểu. Người mẹ ăn uống thích ghét cái gì thì đứa con cũng vậy. Tương tự, mẹ
sợ cái gì thì con sẽ sợ cái đấy, người mẹ thích thú cái gì thì con sẽ cảm thấy
thích thú cái đấy.
Anh Perkins người Mỹ – người đã lôi kéo sự chú ý của mọi người vì dạy trẻ
sơ sinh bốn tuần tuổi tập bơi, cho biết: Anh nhận ra điểm cốt lõi ở đây khi dạy
trẻ sơ sinh bơi là: loại bỏ cảm giác sợ hãi của người mẹ hơn là của đứa trẻ sơ
sinh. Bởi, vốn dĩ trẻ sơ sinh không hề sợ nước, chẳng qua chỉ vì người mẹ sợ
hãi, lo lắng nên truyền sang con khiến con cũng sẽ trở nên lo lắng, sợ hãi mà
thôi.
Thật đáng tiếc nếu khả năng vô hạn của con trẻ có thể mở rộng hơn nữa mà
lại bị chính người mẹ gạt cần phanh lại. Do đó, tôi mong rằng người mẹ trước
tiên hãy dũng cảm đập vỡ những xiềng xích đó của mình, để cho con trẻ cơ
hội mở rộng ra những khả năng vô hạn mà trẻ có.