những ngày tháng trước đó, và so sánh sự trưởng thành của đứa con bây giờ
trong tổng thể cả một quãng thời gian dài là vô cùng cần thiết.
19. Nên phân chia rõ vai trò của cha và mẹ trong việc dạy dỗ trẻ
Khi một sinh linh mới ra đời, cha mẹ sẽ phải cùng góp sức lại để làm rất
nhiều việc. Không cần phải nói thì ai cũng hiểu tầm quan trọng của người cha
trong việc giáo dục con cái. Tuy nhiên, tôi thấy xu hướng hợp tác giữa cha và
mẹ trong thời gian gần đây dường như có ít nhiều sai lầm.
Quả thật so với trước đây, bây giờ các bậc cha mẹ đã biết quan tâm nhiều hơn
đến việc dạy con trong giai đoạn ấu thơ. Chuyện người cha coi dạy dỗ con cái
là nghĩa vụ của người mẹ, lơ là với việc dạy con trong giai đoạn thơ ấu đã
giảm đi khá nhiều. Đây là một điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, trong việc dạy
dỗ con nếu không chú ý sẽ dẫn đến tình trạng là người cha chỉ đơn thuần là
người thay phiên hộ mẹ khi chăm sóc con.
Một số bà mẹ trẻ quan niệm một gia đình dân chủ là hai vợ chồng hợp tác với
nhau để chăm sóc con; người mẹ mệt thì người cha thay phiên, cho bé uống
sữa, thay tã để mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Đúng là đối với các bà mẹ trẻ còn
nhiều bỡ ngỡ, sẽ có nhiều lúc cần sự giúp đỡ của chồng như vậy. Tuy nhiên,
việc người cha thay vai cho người mẹ để chăm con không phải là sự hợp tác
nuôi con đúng. Sự hợp tác nuôi con của cha và mẹ là phải giống như sự kết
hợp tuyệt vời để tạo thành một cặp đôi combi(*) vậy. Một combi hoàn hảo chỉ
hình thành khi mỗi người trong cặp đều giữ một vai trò riêng của mình dù
trong trường hợp nào đi nữa. Trong chăm con, có những việc chỉ mẹ mới làm
được, dù có nhờ cha làm hộ cũng chỉ lãng phí thời gian. Ngược lại, người cha
cũng có vai trò quan trọng cần phải thực hiện. Vậy mà vai trò đó lại bị xem
nhẹ đi, và chỉ luẩn quẩn trong việc làm người dự bị thay thế cho người mẹ lúc
cần thì thật sai lầm.
Đặc biệt giai đoạn trước 3 tuổi, khi các đường rãnh của não phát triển nhanh
nhất, các bà mẹ phải luôn luôn nhắc nhở mình rằng, sự tiếp xúc của người mẹ
với con là việc không ai có thể thay thế được. Còn người cha thì nên luôn cố
gắng hết sức mang lại cho người mẹ sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, để
mẹ có thể hoàn thành tốt sứ mệnh quan trọng là nuôi dạy con của mình.
Trong suốt 10 năm, tôi đã có cơ hội trao đổi, nói chuyện với những nhân vật
hàng đầu trong các giới về giáo dục trẻ tuổi ấu thơ. Và tôi tin tưởng một cách
mạnh mẽ rằng trong thời thơ ấu của những người có nhân cách hay thành tích
công việc tuyệt vời, quả thật sự phân chia rõ vai trò của cha mẹ có một ý
nghĩa rất quan trọng. Trong cuốn sách “Quần thể tượng người cha”(*) tác giả
Kusayanagi Daizo có nói thế này về vai trò của người cha trong việc nuôi dạy
con: “Giúp đỡ thì được chứ can thiệp thì không”. Tôi thấy những người nuôi
con giỏi đều ít nhiều có cách làm giống vậy.