hình ảnh ông/bà dẫn cháu cùng khi tới các lớp dạy về nghệ thuật thư pháp hay
trà đạo. Nhờ thế, những đứa trẻ nhận được nhiều ảnh hưởng tốt, góp phần
giúp không ít trẻ trở thành các nhân vật xuất sắc trong sự nghiệp sau này.
Vì sao tôi lại nói đến điều này, vì tôi thấy trẻ con ngày nay không còn may
mắn có cơ hội để tiếp nhận, tiếp xúc với những thứ tốt đẹp, những ảnh hưởng
tốt như trước nữa. Ông, bà thường có khả năng nhìn ra cái gì là tốt cho cháu
mình, hơn nữa lại rảnh rỗi, do đó, thường thích dẫn cháu yêu đi đến những
chỗ như trên. Khi dẫn cháu đi cùng như vậy, bản thân ông bà không hề nghĩ
rằng cháu có hiểu hay không mà đơn giản chỉ là đi chơi cùng cháu như vậy là
một niềm vui. Kết quả là những đứa trẻ tự nhiên được tiếp xúc với những điều
tốt đẹp, và tiếp thu chúng trong quá trình lớn lên. Lý do tôi gọi đó là những
ảnh hưởng tốt chính là vì vậy.
Còn quan điểm ấu trĩ của cha mẹ như “trẻ con có cho đồ ăn ngon cũng không
biết”, “cho xem những thứ hay ho cũng không hiểu” thực chất lại chính là vì
không hề nghĩ gì cho con nên mới nói thế. Một số ông bố bà mẹ không dám
dẫn con tới các nhà hàng sang trọng vì cho rằng con sẽ nghịch phá làm phiền
đến người khác. Tuy nhiên, tôi xin nói rằng, trẻ con tự chúng hiểu đến những
nhà hàng cao cấp phải có cách cư xử như thế nào, đến những nhà hàng bình
dân thì cư xử như thế nào. Muốn nấu được món ăn ngon thì trước tiên phải
được ăn những đồ ăn ngon đã. Thế nhưng giáo dục ngày nay thường làm
ngược lại, cho ăn toàn những món dở tệ nhưng lại bảo hãy trở thành đầu bếp
xuất sắc. Bạn chỉ cho con đi toàn nhà hàng bình dân nhưng khi ở nhà hàng
cao cấp lại yêu cầu con phải cư xử cho đúng với kiểu nhà hàng cao cấp thì
đương nhiên trẻ khó mà làm được rồi. Quan điểm của tôi là, chính trong thời
kỳ thơ ấu, càng cần cho trẻ xem những thứ “hàng đầu”, cho trẻ những thứ
chất lượng tốt. Bởi vì, những khuôn mẫu tốt được khắc ghi vào trong bộ não
còn mềm dẻo của trẻ, tự nhiên sẽ thấm nhuần vào bản thân thành một phần
của trẻ.
Có một thực trạng là khi bàn chuyện kết hôn, xin việc nhiều người thường
đem vấn đề “nền tảng giáo dục” ra soi xét đầu tiên. Nếu thực sự nhìn đúng
bản chất, coi những “khuôn mẫu tốt” trong thời ấu thơ chính là “nền tảng giáo
dục” cần xem xét ở đây, có lẽ thực trạng này đã không bị lên án mạnh mẽ như
vậy. Bởi vì, “nền tảng giáo dục” thực sự không phải là vấn đề như dòng dõi
gia đình thế nào, gia sản ra sao, mà chính là việc có được nuôi dưỡng trong
môi trường tốt, được cho tiếp thu những điều tốt đẹp, được cho xem những
thứ hàng đầu khi còn bé hay không.
Xung quanh ta có vô số người dù gia đình không có thân thế, gia sản đi nữa
vẫn được lớn lên trong môi trường giáo dục tốt. Những gia đình có ông, bà có
tri thức sống cùng, con cái được lớn lên cùng thì cũng như đã có môi trường
tốt để nuôi dạy con rồi. “Hàng đầu” ở đây không phải là thứ không có tiền thì