CHIẾN LƯỢC CỦA MẸ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI CON - Trang 63

46. Mẹ nên tích cực đáp lại những tiếng ê a đầu đời của con

Có hai người mẹ có ngày dự sinh giống nhau, cùng thời gian ở viện, nên trong
quá trình đi khám họ quen biết và kết bạn với nhau. Nhờ trời, cả hai đứa trẻ
đều sinh ra khỏe mạnh, không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, một thời gian sau khi
sinh, một người mẹ đến thăm nhà của người kia thì vô cùng kinh ngạc vì đứa
trẻ nhà này tích cực nói chuyện ở mức con mình không theo kịp được. Tất
nhiên, mới chỉ là những từ ngữ ê a chưa thành lời, nhưng đứa trẻ đó đã biết cả
bắt chuyện với mẹ mình.

Cũng là một người mẹ nên cô thấy tò mò không hiểu vì sao có sự khác biệt
như thế giữa hai đứa trẻ. Hỏi chuyện người mẹ kia thì thấy cách nuôi con giữa
hai người không có gì khác đặc biệt. Vừa lúc đó người chị đang học mẫu giáo
của đứa trẻ đi học về, và cô hiểu ngay vì sao mà có sự khác biệt như vậy. Chị
của bé đó vừa về liền sà ngay vào chỗ em, và nói chuyện với em mình. Dù
đứa bé chỉ nói ê a vu vơ người chị cũng tích cực trả lời lại theo kiểu của chị.
Người mẹ cho biết, cô chị rất vui sướng khi có thêm em, trước giờ bé chỉ toàn
chơi với búp bê thì nay có em, bé rất vui và chơi cả ngày với em không chán.
Người mẹ bật cười nói: “Không biết là con bé có biết em mình là người thật
không hay chỉ tưởng giống như đang dỗ dành búp bê”.

Tất nhiên, trẻ sơ sinh nói chuyện thì cũng mới chỉ là ngôn ngữ trẻ sơ sinh,
ngoài lúc khóc gọi mẹ vì đói, vì bỉm ướt ra thì cùng lắm chỉ là ê a những từ
không có nghĩa. Ngoài những khi bé đói hay bỉm ướt thì khóc gọi mẹ, còn lúc
bé ê a như vậy không ai trả lời lại thì bé cũng không cáu giận. Nhiều khi bé tự
ê a một mình như vậy rồi ngủ luôn lúc nào không biết.

Thế nhưng, sự thực là tùy vào việc người xung quanh có trả lời lại hay không
trả lời lại những câu nói ê a này mà như ví dụ vừa rồi, sự phát triển của trẻ
khác biệt rõ ràng. Trong Tâm lý học, cùng với tiếng khóc và nụ cười, những
âm thanh ê a này của trẻ gọi là “hành động tín hiệu”, hoặc là “hành động phát
tín hiệu”. Nói cách khác dù những âm thanh thoạt đầu tưởng vô nghĩa như
tiếng ê a đi chăng nữa, nhưng đối với đứa trẻ nó là đèn hiệu thể hiện ý muốn
của mình, để cho mọi người xung quanh biết sự tồn tại của mình. Nếu mọi
người xung quanh ngay lập tức phản ứng lại với “đèn tín hiệu” đó thì “hành
động phát tín hiệu” sẽ được mở rộng và phóng đại ra. “Phản ứng lại” ở đây
không chỉ là bắt chuyện với trẻ, mà còn là xoa đầu, dỗ dành, vuốt ve… Cách
nào cũng được, quan trọng là, phải phản ứng ngay lập tức. Nó giống như sóng
phát thanh, nếu không có tín hiệu trả lời, sẽ tắt ngay lập tức. “Sóng tín hiệu”
trẻ phát ra nếu không “phản ứng” lại ngay đương nhiên bé sẽ không hiểu
được đó là “câu trả lời” cho “tín hiệu” mà mình vừa phát ra. Nếu những
“sóng” em bé phát ra này thường xuyên, luôn luôn được phản hồi ngay thì em
bé dần dần nhớ được cách phát “sóng”, và dần phát ra những “tín hiệu” cao
độ hơn nữa. Đây cũng chính là một cách thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.