nhà phê bình nổi tiếng, trò chơi dân gian “ú òa” cũng là một trò có ý nghĩa
xây dựng tinh thần tự lập trong trẻ.
Đối với trẻ em, sự biến mất của người mẹ dường như là một điều vô cùng
đáng sợ, do đó, hễ không thấy bóng dáng mẹ là trẻ sẽ ngay lập tức khóc òa lên
gọi mẹ. Trò chơi ú òa là một huấn luyện đầu tiên trong thời kỳ ấu thơ để dạy
cho trẻ về sự vắng mặt của mẹ. Ban đầu khi mẹ bảo “ú” rồi trốn đi, đứa trẻ sẽ
rất sợ hãi, nhưng sau đó mẹ lại “òa” và xuất hiện thì đứa trẻ lại yên tâm trở
lại. Cảm giác sợ hãi và cảm giác yên tâm được lặp đi lặp lại nhiều lần như thế
giúp đứa trẻ học được rằng: mẹ dù có biến mất nhưng rồi sẽ lại xuất hiện
ngay. Nhờ kích thích của trò chơi này mà dần dần dù mẹ vắng mặt trẻ cũng
không thấy sợ hãi nữa, và tinh thần tự lập tự nhiên được hình thành.
Trong những trò chơi dân gian cho mẹ và con ngày xưa, không ít trò có bao
hàm cả ý nghĩa giáo dục trong đó. Trò chơi “Con đi giỏi quá! Lại gần đây hơn
nữa nào!” cũng không phải chỉ đơn thuần giúp trẻ nhanh biết đi, mà là một
cách luyện tập để trẻ tự mình bước đi bằng khả năng của mình đến được mục
tiêu cần đến.
Hàng ngày, nếu cho trẻ chơi những trò chơi như thế này tính tự lập trong trẻ
sẽ được nuôi dưỡng đầy đủ. Nói như thế ta sẽ thấy trí tuệ tuyệt vời của người
xưa trong việc giáo dục con trẻ. “Chơi” vốn dĩ là cái sinh ra trong cuộc sống
sinh hoạt hàng ngày, và chắc là ai cùng từng có trải nghiệm phát hiện ra được
những điều mới mẻ trong những trò chơi cũ. Nếu các bà mẹ hiện đại ngày
nay, nhìn nhận lại giá trị của các trò chơi dân gian, và tiếp nhận nó càng nhiều
thì đó cũng chính là một cuộc cách tân kỹ thuật cho giáo dục. Tôi nghĩ, chính
cách nghĩ cho rằng phương pháp nuôi con tân tiến kiểu Âu là đạt đến đỉnh cao
kỹ thuật lại chính là cách giáo dục bị hạn chế trong cái khung định sẵn.
48. Nên dùng tốc độ tự nhiên khi cho trẻ học ngoại ngữ
Với những người mới học tiếng Anh, hầu hết không thể nghe hiểu được ý
nghĩa một câu nếu không để băng ở tốc độ chậm. Ví dụ khi nghe câu “It–is–
a–pen”(*) phải vừa phân tích từng chữ vừa suy luận mới hiểu. Những người
học tiếng Anh dưới chế độ giáo dục như thế, khi nói chuyện với người nước
ngoài thì nghe không hiểu, mà nói thì cũng không nên. Khi nói phải vừa nghĩ
từng từ vừa nói nên không thể nói nhanh, do đó, tốc độ nói chậm chạp, khiến
người nghe rất sốt ruột vì mãi không nói xong một câu. Có lẽ “chứng sợ tiếng
Anh” nguồn cơn cũng xuất phát từ kiểu “chủ nghĩa phân tích” này mà ra.
Ngược lại, một đứa trẻ kết thân với một đứa trẻ hàng xóm nước ngoài mới
chuyển đến gần nhà, lại nhanh chóng nói được tiếng nước ngoài như tiếng mẹ
đẻ cũng chính vì nó không có “năng lực phân tích” này.
(*) Đây là cái bút.