thú và lòng hiếu kỳ phát triển đến đỉnh điểm khiến trẻ không chịu ngồi ở một
chỗ cố định nào.
Những đứa trẻ đã có ý kiến chủ quan, chán ngay với thứ không có hứng thú,
chỉ thích hành động theo sở thích của mình, đòi hỏi người lớn phải có cách
tiếp cận riêng cho phù hợp. Tuy nhiên, giống như tôi nói ở đầu cuốn sách, sự
thay đổi của trẻ tuy không đột ngột, nhưng phát triển của đứa trẻ từ 0 tuổi đến
1 – 2 tuổi với 3 – 4 tuổi rõ ràng sẽ có sự khác biệt lớn. Nói cách khác, dù là
dạy dỗ hay khai phá năng lực thì một mặt cha mẹ vẫn lặp đi lặp lại để trẻ ghi
nhớ, mặt khác cũng cần để tâm đến những sở thích, suy nghĩ riêng bắt đầu
xuất hiện của trẻ, sao cho có thể kiểm soát nó một cách hợp lý và cha mẹ vẫn
tiếp tục mang đến cho trẻ những thứ cha mẹ nghĩ là tốt.
54. Ngay trong “thời kỳ nhồi ép” cũng manh nha xuất hiện mầm non của
tính hiếu kỳ
Ở phần trước, tôi đã phân biệt “thời kỳ nhồi ép” và “thời kỳ bày tỏ ý thích”.
Vậy có phải là trong “thời kỳ nhồi ép” này, trẻ hoàn toàn chưa có sở thích gì
hay không? Tất nhiên, giống như tôi đã nói nhiều lần là, thời kỳ 0 tuổi và sau
đó một thời gian ngắn là lúc cha mẹ chưa cần giải thích lý lẽ mà chỉ cần nhồi
ép kiến thức vào cho trẻ là được, nhưng không phải là đột nhiên một ngày nào
đó trẻ sẽ bày tỏ sở thích và tính hiếu kỳ, mà ngay trong thời kỳ này cũng đã
manh nha xuất hiện tính hiếu kỳ và ý thích rồi.
Mọi người thường nói em bé vừa mới sinh xong được một ngày thì mắt vẫn
chưa nhìn thấy được. Nhưng theo nhà tâm lý học người Mỹ – tiến sĩ Bruner,
đã có những kết quả thử nghiệm cho thấy ngay cả trẻ sơ sinh cũng đã biết
chuyển động ánh mắt theo những thứ khác lạ. Ví dụ, người ta cho trẻ mới sinh
nhìn tờ giấy trắng, thì mắt trẻ hoàn toàn không chú ý vào một điểm nào cả.
Nhưng khi cho trẻ xem tờ giấy có vẽ một hình tam giác rõ ràng trên đó, thì trẻ
sẽ tập trung điểm nhìn vào điểm gần trẻ nhất. Ngoài ra, khi trẻ có những cử
động như thể định nắm lấy cái gì đó, người ta đã thử phân tích cụ thể hành
động đó, thì thấy từ cử động đó là động tác mang ý nghĩa trẻ đang xác định
vật ở gần hay ở xa so với mình. Ngoài những thử nghiệm này, còn nhiều ví dụ
khác như trẻ hướng về phía có ánh sáng, quay đầu về phía có tiếng động…
Tất nhiên, nếu chỉ căn cứ vào những phản ứng này thì chưa thể kết luận được
thói quen yêu ghét của đứa trẻ đó, nhưng ít nhất cũng giúp ta hiểu ra: ngay cả
một đứa trẻ vừa sinh ra cũng đã có tính hiếu kỳ rồi. Đòi hỏi sinh lý thực ra là
phản ứng mang tính động vật, nhưng qua đó cũng giúp ta dễ dàng hình dung
được sự liên quan của nó tới những hứng thú, yêu ghét của đứa trẻ. Tất nhiên,
sự hiếu kỳ ở mức độ thế này vẫn chưa đủ để tận dụng hiệu quả khi muốn huấn
luyện, dạy dỗ trẻ cái gì đó một cách tích cực. Nhưng ta nên chú ý vào những
kích thích mà em bé dễ có phản ứng trong vô vàn kích thích thì sẽ mang lại
hiệu quả hơn.