Mỗi người có cách định nghĩa đứa trẻ ngoan khác nhau, nhưng trước hết bản
thân người mẹ phải có mong muốn nuôi con thành đứa trẻ ngoan. Tôi nghĩ
không quá khi nói rằng, một người mẹ mà không hề có mong muốn sẽ dạy dỗ
con thành một người tốt thì không xứng đáng làm mẹ. Việc bé có trở thành
“đứa trẻ ngoan” hay không phụ thuộc vào cách cha mẹ dạy dỗ bé trong ba
năm đầu đời, khi mà cha mẹ còn tự do kiểm soát được con mình.
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ – tiến sĩ Bruner(*) có định nghĩa, người
mẹ tốt là người có thể tạo ra những phương thức giao tiếp trước cả ngôn ngữ,
và nhờ vào đó thúc đẩy trò chuyện cũng như chơi đùa cùng với trẻ. Nói lại
theo cách của tôi thì cha mẹ tốt là người luôn ý thức dành thời gian cho con,
để nuôi dạy con thành một đứa trẻ tốt trong giai đoạn khuôn mẫu.
Mọi người thường nói “không có cha mẹ trẻ con cũng tự lớn”. Nhưng “tự lớn
lên” và “được nuôi lớn khôn” là rất khác nhau. Thời đại ngày nay lại có câu
“dù có cha mẹ con cái vẫn lớn lên”, tuy nhiên, nếu người mẹ không dành tình
yêu thương cho con, không có ý chí mạnh mẽ sẽ nuôi dưỡng con thành một
người tốt, thì cũng không thể nào nuôi dạy con thành một đứa trẻ ngoan được.
2. Trước mẫu giáo là thời kỳ mà nhân cách và thái độ sống của người mẹ
dễ “truyền thụ” sang con nhất
“Trẻ là tấm gương phản chiếu hình ảnh của mẹ”. Nhìn những việc đứa trẻ làm
sẽ suy ra được nhân cách của người mẹ. Cách dạy dỗ và chỉ bảo của mẹ trong
giai đoạn ấu thơ có ảnh hưởng lớn hơn chúng ta tưởng. Các bác sĩ khoa nhi có
kể, họ thường vừa quan sát các bà mẹ và con vừa viết đơn thuốc. Những bác
sĩ có kinh nghiệm chỉ cần nhìn thoáng qua một nhóm trẻ trong phòng chờ
cũng biết được mẹ của bé là ai.
(*) Jerome Bruner là một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, đã có những
đóng góp đáng kể trong ngành tâm lý học nhận thức và tâm lý học giáo dục.
Về việc này, tôi cũng được nghe một câu chuyện khác khá thú vị của anh Doi
Yoshiko, một người đã quan tâm đến giáo dục trẻ tuổi ấu thơ trong nhiều năm
liền. Bản thân anh Doi cũng quản lý một nhà trẻ, và có khoảng 5.000 em đã
tốt nghiệp trường của anh. Trường anh Doi đã từng áp dụng ba cách sau để
tuyển chọn học sinh.
Cách thứ nhất, cả phụ huynh và trẻ làm bài kiểm tra; cách thứ hai, xếp hàng
theo thứ tự nộp đơn; cách thứ ba, bốc thăm ngẫu nhiên. Sở dĩ có tận ba cách
xét chọn này là vì, ban đầu trường áp dụng cách thứ nhất, nhưng có nhiều
trường hợp trẻ không trúng tuyển do phụ huynh bị trượt đầu vào, thành ra
nhiều phụ huynh yêu cầu không làm cách này nữa, vì khiến họ bị mất uy với
con. Khi chuyển sang áp dụng cách thứ hai thì lại xảy ra tình trạng nhiều nhà
thức đến tận khuya để xếp hàng chờ nộp đơn. Cực chẳng đã, trường đành
chọn cách thứ ba là bốc thăm ngẫu nhiên để chọn học sinh đầu vào.