gợi đến một sự phục hồi của tổ chức Việt Nam Quang phục hội của Phan Bội
Châu năm 1912.
Tham gia Đồng minh hội còn có thành viên của một tổ chức đó là Việt
Nam Giải phóng Đồng minh hội do Nguyễn Hải Thần, một người theo xu
hướng quốc gia lãnh đạo. Nguyễn Hải Thần sống lâu năm ở Trung Quốc,
được Quốc dân đảng Trung Hoa ủng hộ, đã giữ chân lãnh đạo trong Đồng
minh hội.
Đồng minh hội từ chối hợp tác với Đảng Cộng sản, với Việt Minh và
kình địch với Việt Minh trong cuộc chiến giành quyền lực. Còn nhiều phe
phái và đảng chính trị khác tồn tại ở Việt Nam trong thời kỳ này. Điều đó
nói lên tính phức tạp của nhiệm vụ mà Hồ Chí Minh và Việt Minh phải
đương đầu vào tháng 5/1941 để thành lập một mặt trận thống nhất.
Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pắc Bó thảo luận về vấn đề vũ trang
khởi nghĩa và chọn Phùng Chí Kiên đứng đầu đội quân cứu quốc mới.
Phùng Chí Kiên đã được đào tạo cơ bản về quân sự ở trường Hoàng Phố,
được phong cấp thiếu tá trong một đơn vị của Mao Trạch Đông từ năm 1927
đến 1934. Nhìn bề ngoài, đó là con người đúng với nhiệm vụ. Không chờ
đợi, Phùng Chí Kiên tổ chức các đội vũ trang ở phía bắc Việt Nam và mở
các cuộc tiến công vào quân Pháp.
Hội nghị ở Pắc Bó cũng bầu Trường Chinh làm Tổng bí thư mới thay
Nguyễn Văn Cừ bị Pháp bắt tháng 6/1940 và xử bắn ở Sài Gòn tháng
5/1941. Hội nghị cũng quyết định xây dựng cơ sở du kích từ Pắc Bó trở
xuống phía nam, bởi lẽ hình như khó mà coi địa điểm Pác Bó đó là đại bản
doanh của phong trào cách mạng đang lan rộng ra cả nước. Vài tháng sau,
tổng hành dinh chuyển về dãy Lam Sơn cách trung tâm Cao Bằng khoảng
năm mươi cây số. Hội nghị cũng nêu vấn đề bảo đảm an toàn bí mật vì Pháp
tuần tiễu vùng này rất thường xuyên.