tốt. Ở ngoài này tôi vẫn bình yên”. Tiếp đó là một bài thơ. Làm sao Hồ Chí
Minh có thể mất được khi những dòng chữ này chỉ có thể là do Người tự
viết trên một tờ báo mới phát hành. Võ Nguyên Giáp nhìn ngày ấn hành ghi
trên đầu báo. Đó là ngày sau ngày có tin đồn Hồ Chí Minh mất trong nhà
ngục của Quốc dân Đảng. Một tia hy vọng lóe lên trong tim Võ Nguyên
Giáp.
Trở về Cao Bằng, Võ Nguyên Giáp tìm cơ hội gặp lại người đầu tiên đã
đưa tin đau đớn đó từ Trung Quốc về. Ông hỏi anh ta: “Đồng chí nghĩ gì về
bài thơ và lời chú thích ngoài lề này?” “Tôi không biết”, anh ta nói. “Khi tôi
ở Trung Quốc, chính một viên quan Quốc dân Đảng đã thông báo cho tôi
biết Hồ Chí Minh đã mất”.
Võ Nguyên Giáp yêu cầu anh ta cố nhớ lại thật chính xác xem viên
quan Quốc dân Đảng ấy nói gì. Anh ta bóp trán tập trung suy nghĩ một lát
rồi nói: “Chỉ nhớ được mấy tiếng si-le, si-le có nghĩa là đã chết. Võ Nguyên
Giáp thấy lóe lên một tia sáng. Có thể anh ta đã hiểu sai cụm từ “shi-le, shi-
le” phát âm gần giống nhau nhưng chỉ có nghĩa đơn giản là “phải, phải”.
Anh ta ngẩn người ra, ngập ngừng nói: “Có thể như thế.” Sau này Võ
Nguyên Giáp viết: “Chúng tôi sung sướng đến phát điên. Chỉ vì một sự nghe
lầm đơn giản mà chúng tôi đã phải chịu đau khổ và lo lắng đến mấy tháng!”
Dịp Tết Nguyên đán năm 1943, Võ Nguyên Giáp trở lại Cao Bằng để
ăn mừng những thắng lợi đạt được trong việc tổ chức cơ sở trong thời gian
qua. Năm 1942, Võ Nguyên Giáp và các cán bộ Việt Minh đã đạt được
nhiều thành tích. Nhiều đội tự vệ mới ra đời. Ba tỉnh phía bắc là Cao Bằng,
Bắc Cạn và Lạng Sơn đã nằm dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của Việt Minh,
được gọi bằng một cái tên đơn giản là Cao-Bắc-Lạng. Nhân ngày Tết, Võ
Nguyên Giáp và các thành viên trong Ban chấp hành Tổng bộ Việt Minh
cùng đại biểu công nhân Cao-Bắc-Lạng đến thăm những hội viên mới gia
nhập các đội xung phong Nam tiến, tặng cờ danh dự mang dòng chữ “Đánh
thắng”.