Võ Nguyên Giáp có quyền mãn nguyện về thành tích các phong trào
Nam tiến. Năm 1941 mới có 1.053 hội viên Cứu quốc thì năm 1943, số hội
viên đã tăng lên 3.096 người. Các lớp huấn luyện chính trị và quân sự từ 11
tăng lên 26, cứ mỗi tháng là có một lớp học mới được tổ chức. Học xong
được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Ngoài ra còn tổ chức được 10 lớp xóa
mù chữ cho dân trong vùng. Ở một số xóm sau buổi làm đồng, dân làng còn
tình nguyện làm thêm các công việc trồng rau nuôi tằm, đốt than lấy tiền
ủng hộ Việt Minh.
Ngược lại, Đảng dùng số tiền quyên góp ít ỏi ấy để nuôi cán bộ. Người
ta làm kho chứa lương thực, xây hầm cất giấu vũ khí trong rừng có tường
gạch bao che, có mái lợp bằng ván gỗ, trên cùng lại có cành cây và đất phủ
kín. Căn hầm chứa vũ khí khá kín đáo nhiều lần có địch đi tuần qua lại bên
trên mà không phát hiện được. Việt Minh còn phái người qua Trung Quốc
tìm mua vũ khí đem về trong nước.
Võ Nguyên Giáp cũng cho xây dựng xưởng chế tạo vũ khí. Ông biết
rằng dao găm, lựu đạn, giáo mác, súng kíp đã không còn đủ sức chống lại
nhà cầm quyền Pháp. Không chịu bó tay trước sự trang bị không ngang sức,
Võ Nguyên Giáp huy động các thợ rèn từ dưới xuôi lên xây dựng một xưởng
vũ khí ẩn sâu trong vùng “Lô cốt đỏ” để tiếng đe, tiếng búa không lọt được
ra ngoài. Dân làng quyên góp chậu sắt, mâm đồng, chậu thau để làm nguyên
liệu. Sau nhiều tháng thí nghiệm không kém phần nguy hiểm, công nhân
xưởng vũ khí đã có thể chế tạo được địa lôi, các loại mìn chôn dưới đất.
Đây là sáng kiến hay của những công nhân quân giới đầu tiên của cách
mạng, họ cố gắng chế tạo mìn hơn là súng. Mìn là vũ khí hữu dụng cho lực
lượng du kích. Mìn dễ làm, ít tốn kém, lại nhiều công dụng hơn súng. Mìn
có thể được một, hai người sử dụng và ít nguy hiểm. Sức công phá của mìn
rất lớn. Chỉ một trái mìn chôn dưới đất cho nổ đúng lúc có thể lật đổ một
đoàn tàu, đoàn xe cơ giới, chặn đứng cuộc hành quân, đánh sập lô cốt, tòa
nhà trú quân hoặc sở bản doanh quân địch. Những vết thương để lại di
chứng còn đáng sợ hơn là chết.