người Mỹ khác, trước đây cũng là nhân viên hãng dầu lửa Cal-Texaco ở Sài
Gòn.
Nhóm bộ ba GBT tổ chức một mạng lưới đặc vụ quốc tế có cơ sở toàn
Đông Dương, vừa thu lượm tin tức tình báo cho Chính phủ Quốc dân Đảng
của Tưởng Giới Thạch, vừa cho phi đội Hổ bay thuộc Không đoàn 14 của
tướng Mỹ Claire Chennault đóng căn cứ ở Côn Minh và không loại trừ với
cả lực lượng 136 của Anh đóng ở Kandy thuộc Tích Lan (nay là Sri Lanka).
Năm 1944, nhóm GBT gửi về Trung Quốc một bản báo cáo nói rằng có một
trung úy phi công Mỹ tên là Shaw đã nhảy dù xuống miền núi rừng phía bắc
do Việt Minh kiểm soát. Anh ta được một nhóm du kích của Võ Nguyên
Giáp cứu thoát. Bản báo cáo nói rõ chính một người Việt Nam có tên là Hu
Tze-ming [đúng ra là Hồ Chí Minh] đã ra lệnh cứu Shaw. Cuối cùng Shaw
đã được đưa đến một đại bản doanh của Hồ Chí Minh ở Pắc Bó và trong một
chuyến đi Trung Quốc cuối năm 1944, chính Hồ Chí Minh đã đưa Shaw
sang Trung Quốc để giao cho lực lượng Mỹ
.
Người phụ trách Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ (Office of
Strategic Service - OSS) ở Côn Minh (Trung Quốc), nơi nhận được bản báo
cáo của nhóm GBT, đã tỏ ra rất quan tâm đến các tin tức có liên quan đến
các phi công Mỹ nhảy dù xuống miền bắc sau khi máy bay của họ bị lực
lượng phòng không Nhật Bản bắn hạ. Văn phòng OSS có một tập hồ sơ nói
về hoạt động từ những năm 1940 của các tổ chức cách mạng sau này là Việt
Minh. Đó là lần đầu tiên trong tài liệu của Mỹ có nói đến tên Hồ Chí Minh.
Ngày 31/12/1942, Clarence E. Gauss - Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc - báo cáo
rằng người Trung Quốc đang giam giữ ở Liễu Châu trong tỉnh Quảng Tây từ
ngày 2/12 “một người An Nam tên là Ho Chih-chi (?)”. Báo cáo của OSS
cho biết trước đây người ta vẫn thỉnh thoảng gặp Hồ Chí Minh ở Côn Minh
tại đại bản doanh của cơ quan tình báo chiến trường.
Nhân viên đầu tiên của OSS ở Côn Minh mà Hồ Chí Minh tiếp xúc là
trung tá Paul L. E. Helliwell, giám đốc đặc vụ. Để tỏ lòng tôn trọng,
Helliwell đã tặng Hồ Chí Minh sáu khẩu súng lục cỡ 38 và hai vạn viên đạn.