Có ấn tượng rõ rệt về một người châu Á nhiệt tình sôi sục, Helliwell gửi một
báo cáo lên cấp trên cho phép mình được tiếp xúc với Hồ Chí Minh nhiều
hơn để tăng cường sự hợp tác, giúp đỡ.
Trong một lần đến Côn Minh ngày 17/3/1945, Hồ Chí Minh gặp
Charles Fenn. Là phóng viên chiến tranh của Mỹ ở Trung Quốc, Fenn được
OSS tuyển dụng và sau đó tham gia một lớp huấn luyện sĩ quan hải quân và
nhận nhiệm vụ quay lại Trung Quốc, là trung úy biệt phái sang OSS. Ngoài
ra, Fenn còn có nhiều nhiệm vụ khác trong đó có việc liên hệ với nhóm GBT
ở Việt Nam. Trong một buổi trò chuyện với Hồ Chí Minh, Fenn hiểu rằng
trước mắt mình là một người cần được hợp tác để làm việc góp phần vào nỗ
lực chiến tranh. Vì vậy, khi Hồ Chí Minh hỏi có thể gặp tướng Claire
Chennault không, Fenn nhận lời ngay. Bất kể là chuyện đó tốt hay xấu, Fenn
chính là người đã “giới thiệu” Hồ Chí Minh với OSS. Ngày 29/3/1945 Hồ
Chí Minh và tướng Chennault - Tư lệnh không đoàn 14 - gặp nhau.
Chennault cảm ơn Hồ Chí Minh đã cứu thoát trung úy phi công Shaw.
Hồ Chí Minh trả lời ông rất sung sướng được giúp đỡ người Mỹ và đặc biệt
là tướng Chennault mà ông tỏ lòng rất kính phục. Trong chốc lát hai người
nói đến Phi đội Hổ bay dưới quyền tướng Chennault được thành lập với
những tình nguyện viên người Mỹ từ đầu chiến tranh để hỗ trợ chính phủ
Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch nhằm đánh bại ưu thế không lực của
Nhật. Chennault rất hài lòng thấy một “ông già” An Nam (Hồ Chí Minh lúc
đó 54 tuổi) biết đến phi đội máy bay đó. Không ai trong những người có mặt
trong buổi trò chuyện đó đả động đến người Pháp, cũng không ai nói đến
chính trị. Rồi Hồ Chí Minh hỏi: “Ngài có cái ảnh chân dung nào trong túi
không?”. Chennault lấy ra trong túi áo sơ mi ảnh chân dung in trên giấy
bóng. Hồ Chí Minh chọn một chiếc và yêu cầu tướng Chennault ghi lời đề
tặng. Chennault ghi bằng dòng chữ rất khó đọc: “Thân ái. Claire L.
Chennault”. Hồ Chí Minh cầm lấy ảnh và từ biệt.
Hồ Chí Minh rất hài lòng, ông có trong tay một kho vàng: chứng cớ xác
thực và có thể đưa ra để chứng tỏ cho bất cứ ai nghi ngờ về việc được Mỹ