bắc cố gắng kháng cự gần Lạng Sơn và Đồng Đăng không xa biên giới
Trung Quốc. Thừa quân nhưng thiếu đạn, cuối cùng hàng trăm quân Pháp
đầu hàng và bị quân Nhật tàn sát hàng loạt. Những người sống sót liều lĩnh
rút lui lên phía bắc và vượt biên chạy sang lãnh thổ Trung Quốc để thoát
thân. Cuộc đảo chính ngắn ngủi này đã đảo lộn tình hình ở Việt Nam. Đế
quốc Pháp già cỗi ở tuổi 80 chỉ một đêm là sụp đổ hoàn toàn, đồng thời cũng
mãi mãi bị chôn vùi ý tưởng cho tới hôm đó vẫn còn bám sâu trong tâm trí
người Việt cho rằng sức mạnh toàn năng của nước Pháp không bao giờ có
thể bị đánh bại.
Không bỏ lỡ một cơ hội quá sức mong đợi, Vua Bảo Đại hành động
nhanh chóng. Ngày 11/3/1945, hai ngày sau đảo chính, và cũng theo gợi ý
của người Nhật, Bảo Đại tuyên bố bãi bỏ Hiệp ước bảo hộ năm 1884, tuyên
bố Vương quốc An Nam từ nay hoàn toàn độc lập. Trong nhiều năm qua,
Nhật Bản đã ra sức tuyên truyền về khối thịnh vượng chung Đại Đông Á
dưới sự bảo trợ của Nhật Bản, với khẩu hiệu: “Châu Á là của người châu
Á”. Nhưng việc người Nhật khăng khăng từ chối trao trả cho Bảo Đại nền
độc lập hoàn toàn của Việt Nam chỉ làm cho thanh thế của Việt Minh thêm
mạnh từ sau cuộc đảo chính và ngày càng phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, thái độ của Bảo Đại là một bất ngờ đối với Hồ Chí Minh và
Việt Minh vì họ muốn ở Việt Nam không còn lực lượng nào khác ngoài Việt
Minh có thể tập hợp được những người yêu nước. Họ ấp ủ một kế hoạch để
thương lượng với Bảo Đại khi có thời cơ thích hợp.
Ủy ban Quân sự của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản quyết
định triệu tập một hội nghị quân sự ở Bắc Giang từ ngày 15 đến 20/4/1945.
Võ Nguyên Giáp rất nóng lòng mong đến cuộc họp. Đó sẽ là một dịp gặp lại
đồng chí trao đổi tin tức, hoàn chỉnh các kế hoạch quân sự. Ông đi bộ đến
Bắc Giang, mặc quần áo cổ truyền: áo the đen, quần trắng, nón chóp. Lần
đầu tiên trong 5 năm qua ông mới lại có dịp trở về xuôi, về phía đồng bằng
sông Hồng.