“Tuyệt đối bí mật và an toàn là khẩu hiệu của chúng
tôi”
Các nhà lãnh đạo trong Bộ Chính trị Bắc Việt Nam thường thảo luận và
đôi khi rất kịch liệt về những việc họ phải làm. Họ nên gần gũi với Trung
Quốc hay Liên Xô? Có thể sẽ sai lầm khi nói rằng các nhà lãnh đạo miền
Bắc chỉ chia rẽ về vấn đề phương hướng chính trị thân Trung Quốc hay thân
Liên Xô. Các cuộc tranh cãi ở Hà Nội còn lắm khi nổ ra về các ưu tiên cần
lựa chọn: sản xuất, phát triển công nghiệp, củng cố miền Bắc và luôn sôi nổi
nhất là về tiến lên của cách mạng ở miền Nam.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo có những quan điểm cá nhân về hai đồng
minh lớn và điều này cũng có vai trò lớn trong việc ra quyết định. Liên Xô
khuyên các đồng minh chấp nhận nguyên tắc chung sống hòa bình trong
chính sách đối ngoại, điều này khá hấp dẫn đối với ai trong Chính phủ Hồ
Chí Minh cho rằng nghĩa vụ hàng đầu là củng cố ảnh hưởng của họ ở miền
Bắc và xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá. Còn người Trung Quốc
có tính chiến đấu hơn, họ có thái độ kiên quyết hơn chống lại Việt Nam
Cộng hòa ở miền Nam. Những mối nguy hiểm của sự liên kết chặt chẽ trên
phương diện chính trị cũng như địa lý với Trung Quốc phải tuyệt đối bù trừ
bằng việc thắt chặt mối liên hệ với Liên Xô. Như một người có trách nhiệm
ở Hà Nội sau này đã nói: Trung Quốc sử dụng Việt Nam như một con cờ
trên bàn cờ và rất nhiều người nghĩ rằng nguồn gốc lợi ích của Trung Quốc
là việc họ muốn sử dụng Bắc Lào và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như là
những nước láng giềng chống lại ảnh hưởng đang lớn lên của người Mỹ ở
phía nam vĩ tuyến 17.
Còn đối với miền Nam? Người ta phải làm gì đây? Sự can thiệp của
nước ngoài đã rõ ràng chưa? Có nên tập trung quân đội miền Bắc và vượt vĩ
tuyến 17 không? Hay miền Bắc phải đợi một cuộc nổi dậy rộng khắp - một