có khoảng 23.000 cố vấn thuộc quyền điều động của ông. Chẳng bao lâu,
ông có thêm trong tay 8.600 lính thủy đánh bộ, 20.000 lính hậu cần, công
binh và 40.000 lính chiến. Cuối năm 1965, quân số dưới quyền chỉ huy của
ông là 181.000 người, đến cuối năm 1966 con số đó đã lên đến 385.000
người! Nhưng ông vẫn xin thêm quân. Ông nghĩ phải bơm thêm quân ồ ạt
hơn nữa mới hy vọng ngăn chặn được Việt Cộng và kết quả ở Ia Đrăng
chứng tỏ là có thể được. Giải pháp cho các khó khăn của ông là tính cơ
động, là quân số hùng hậu và sức mạnh hỏa lực.
Võ Nguyên Giáp lại có cách phản ứng khác. Trong số các nhận xét của
ông có một điều đã thuyết phục ông là lính Mỹ tuy quân số nhiều, tính cơ
động cao nhưng có nhiều cái phải sợ: mặt trời đem lại cái nóng nung người,
rừng rậm đầm lầy, muỗi độc, sốt rét và người Việt Nam bình thường kể cả
cụ già và con trẻ. Vậy cần phải khai thác bằng được cách này hay cách khác
những thứ đang làm cho lính Mỹ run sợ khi phải đối mặt. Khi đã nhận ra
những mặt yếu của quân Mỹ thì chỉ còn phải rút ra bài học. Hoàng Anh
Tuấn, sau này là Thứ trưởng Ngoại giao đã kể lại những cuộc tranh luận nảy
lửa giữa các cán bộ của Võ Nguyên Giáp: “Khi người Mỹ các anh đã vào
cuộc chiến”, ông nhớ lại, “thì chúng tôi bỏ hết thời gian để cố hình dung
xem các anh chiến đấu như thế nào… Chúng tôi thường xuyên nói với nhau
về chuyện ấy. Đó là vấn đề sinh tử chứ không phải chuyện chơi. Mật độ cao
của các cuộc ném bom và tính cơ động của quân đội Mỹ là mối lo lắng lớn
nhất của chúng tôi… Chúng tôi đã bị tổn thất rất lớn… Làm sao bảo tồn
được lực lượng mà vẫn tiếp tục tấn công?”
Tướng Nguyễn Xuân Hoàng đã giải thích cho một người phỏng vấn
ông: “Chúng tôi không thể lấy ý chí thay cho thực tiễn… khi các anh đổ Sư
đoàn Kỵ binh bay số 1 nhảy vào cuộc chiến… Quả thực chúng tôi rất đau
đầu để cố suy nghĩ xem phải làm gì. Tướng Chu Huy Mân và bản thân tôi
lúc đó đang ở sát mặt trận Ia Đrăng và nhiều lần chúng tôi chỉ cách quân Mỹ
có hai bước”.