Thế rồi những phân tích bắt đầu. Tướng Nguyễn Xuân Hoàng thừa
nhận quân đội Mỹ có tính cơ động cao: “Với trực thăng các anh có thể đi sâu
vào hậu phương của chúng tôi mà không có tín hiệu gì báo trước. Và như
thế là rất có hiệu quả”. Rồi ông nhận xét: “Nhưng quân đội các anh không
bao giờ thật sự chuẩn bị chu đáo. Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của các anh xuất
kích với lương thực trong một ngày và đạn dược trong một tuần. Họ gửi
quần áo bẩn về giặt tại Sài Gòn. Họ lệ thuộc vào nước uống trong bi đông do
trực thăng chở tới”. Ông so sánh với hoàn cảnh của quân đội ông: “Tính cơ
động duy nhất của chúng tôi là đôi chân, vì vậy chúng tôi phải… làm thế
nào để lính các anh vốn lệ thuộc vào trực thăng không thể, nếu chiến đấu
trong cùng một điều kiện như chúng tôi: đi bộ ở trong rừng”.
Hoàng Anh Tuấn tiếp tục câu chuyện, kể với chúng tôi: “Chúng tôi đã
nảy ra ý kiến là cách tốt nhất để đánh lại quân Mỹ là “nắm thắt lưng địch mà
đánh”, áp sát lại gần vị trí các anh để pháo binh và hỏa lực không quân của
các anh không làm gì được chúng tôi. Kết quả thật thú vị. Các lực lượng hậu
cần của chúng tôi ở càng xa kẻ địch thì chịu nhiều thiệt hại hơn các đơn vị ở
mặt trận sát bên cạnh địch”.
Tiếp sau các cuộc thảo luận với nhiều đồng đội khác, cuối cùng Võ
Nguyên Giáp đi đến kết luận: “Chúng tôi có thể đánh và đánh bại quân Sư
đoàn Kỵ binh không vận số 1… Các anh áp dụng chiến thuật dựa trên tính
động cơ của trực thăng coi như một chiến lược đem lại “thắng lợi”. Trong
trận Ia Đrăng, Võ Nguyên Giáp nói: “Chúng tôi cũng gặp khó khăn về nước
và lương thực. Chúng tôi không có trực thăng. Chúng tôi phải vào rừng để
tìm kiếm cái ăn, tìm các mạch suối để có nước uống. Lính bộ binh của
chúng tôi phải rất sáng tạo”. Ông giải thích điều đã học được: “Người Mỹ có
một sức mạnh đáng gờm, cực kỳ cơ động và rất linh hoạt, có thể tấn công
bất ngờ, dựa vào hỏa lực mạnh. Nhưng họ không hiểu rằng lính của chúng
tôi gần như chỗ nào cũng có mặt và họ khó mà bất ngờ chộp được chúng
tôi”.