lực lượng của Võ Nguyên Giáp nghe thấy tiếng trực thăng, “họ được lệnh
báo động và chuẩn bị chiến đấu”. “Trong lúc Mỹ ném bom để dọn bãi đáp
trực thăng”, ông nói, “lực lượng của chúng tôi xuống địa đạo và hầm ngầm
boong-ke để trú ẩn và chúng tôi bị thiệt hại rất ít. Khi các máy bay trực
thăng đổ quân và vũ khí, khí tài xuống đất, đó là lúc chúng tôi bật dậy khỏi
hầm hào và bắt đầu bắn trả”. Rồi như để nói riêng với người trước mặt, ông
nhấn mạnh: “Ở Việt Nam, chỉ huy của các anh không bao giờ ý thức được
rằng sức mạnh đến đâu cũng có giới hạn”.
Đó cũng là điều tướng Nguyễn Xuân Hoàng đã nói với chúng tôi,
nhưng điều ông nói ra phản ánh quan điểm của Võ Nguyên Giáp. Nói
chuyện với một nhà báo Mỹ, Nguyễn Xuân Hoàng miêu tả ở Việt Nam phải
vật lộn với những khó khăn như thế nào: “Bởi vì các anh lệ thuộc vào pháo
binh, các anh phải xây dựng các công sự để bắn và không bao giờ ra ngoài
chu vi của các công sự đó. Mỗi khi xây dựng thì những công sự đó trở nên
kiên cố. Vì vậy, chúng tôi phải biết cách làm sao tránh được tầm pháo của
các anh hoặc chúng tôi phải làm sao tìm được điểm yếu mà các anh không
thể lợi dụng được nữa. Ngoài ra, các anh ít biết chúng tôi ở đâu và các anh ít
xác định được mục tiêu rõ ràng. Bởi vậy, chỗ mạnh của các anh chẳng giúp
được gì và các anh để phần lớn hỏa lực mạnh của các anh bắn vu vơ vào
rừng”. “Kết quả là”, Nguyễn Xuân Hoàng nói, “các anh đã rơi vào bẫy của
chúng tôi. Chúng tôi dùng du kích để chia cắt lực lượng khiến các anh
không thể tập trung được để đối phó với quân chính quy của chúng tôi và lợi
thế của các anh bị phí phạm vô ích”.
Tướng Nguyễn Xuân Hoàng kể lại mặc dù cũng có lúc thất bại, đôi khi
bị thiệt hại nặng “nhưng chúng tôi lúc nào cũng giành thắng lợi trong chiến
tranh. Thời gian ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi không cần thắng các anh về
quân sự, chúng tôi chỉ làm sao không để bị thua. Mỗi chiến thắng của các
binh lính dũng cảm của các anh không nghĩa lý gì, không làm thay đổi được
so sánh lực lượng hay làm cho các anh đi gần đến chiến thắng”.