Các cậu học trò Trường Quốc học càng thảo luận và nghiên cứu các
vấn đề của đất nước dưới ách thống trị thực dân thì những tình cảm yêu
nước của họ càng nồng cháy. Đã đến lúc họ thấy chỉ bàn luận thôi chưa đủ
mà phải đi vào hoạt động thực sự, thể hiện tinh thần chống Pháp của mình.
Giáp nhớ lại: “Chúng tôi nổi dậy bất cứ khi nào thời cơ đến” và khi đó thời
cơ không thiếu. Họ biểu tình khi người Pháp từ chối không chấp nhận yêu
cầu của Phan Bội Châu xóa án quản thúc tại nhà, thực tế là giam lỏng. Nỗi
tức giận của họ càng sục sôi khi được tin Phan Chu Trinh tạ thế. Phan Chu
Trinh là người chủ trương làm cách mạng theo xu hướng cải cách, bị kết án
tù năm 1908 vì đã ủng hộ phong trào nông dân đề xướng cắt bỏ búi tóc
Người ta còn gọi đó là cuộc nổi dậy của “những người để tóc dài” ở Trung
Kỳ. Sau một thời gian bị giam giữ ở nhà ngục Côn Đảo, Phan Chu Trinh
được thả về nhưng phải đi biệt xứ ở Pháp. Năm 1925, được trở về Việt Nam,
ông lâm bệnh và năm sau, ông mất tại quê nhà.
Đám tang Phan Chu Trinh là một dịp để những tình cảm yêu nước bùng
nổ gần như khắp nơi trong nước. Ở Trường Quốc học Huế, để tưởng nhớ
Phan Chu Trinh, từng đoàn học sinh mặc tang phục quần trắng, áo dài trắng
và chít khăn trắng. Theo Võ Nguyên Giáp kể lại, hành động đó làm cho viên
Hiệu trưởng người Pháp tức điên. Được sự giúp đỡ của giám thị, ông này tỏ
thái độ cứng rắn và dò xét đối với học sinh. Cũng gần vào thời điểm này,
Giáp tổ chức quyên tiền để giúp đỡ những chính trị phạm bị giam trong các
nhà tù.
Đối với Giáp, điểm mốc đánh dấu sự tan vỡ quan hệ với Ban giám hiệu
nhà trường là vào năm 1927. Viên Hiệu trưởng được Giáp mệnh danh là “tên
bạo chúa” Trường Quốc học cáo buộc một học sinh là Nguyễn Chí Diểu đã
gian lận trong lúc làm bài thi. Ai cũng biết Diểu có tư tưởng chống Pháp và
là bạn thân của Võ Nguyên Giáp. Giáp nghĩ rằng viên Hiệu trưởng chỉ bịa ra
cái cớ gian lận thi cử để đuổi khỏi trường một trong những người có hoạt
động bài Pháp trong nhà trường. Đó là một bất công mà Giáp không thể bỏ
qua.