Ở cả hai bên bạo lực bùng lên như một ngọn lửa. Người Pháp gọi thời
kỳ này là “khủng bố đỏ” trong khi người Việt cả người theo chủ nghĩa quốc
gia lẫn người theo chủ nghĩa cộng sản đều gọi là “khủng bố trắng”. Nông
dân vác thuổng, cuốc, dao đi biểu tình đòi giảm thuế, trừng trị quan lại tham
nhũng. Họ đốt các công đường của huyện, giết địa chủ và viên chức thân
Pháp. Rất nhiều người phục vụ cho Pháp phải trốn về Vinh - thủ phủ tỉnh
Nghệ An.
Trong rừng núi, trên đồng ruộng, tại các đồn điền ở Trung Kỳ, tình hình
đều hỗn loạn. Suốt mùa hè và mùa thu năm 1930, người Việt giận dữ nổi lên
làm chủ hàng trăm làng mạc Trung Kỳ, thành lập Xô Viết địa phương, tuyên
bố giảm thuế, giảm tô, tịch thu ruộng đất chia cho dân cày không có ruộng
hoặc thiếu ruộng. Họ xua đuổi các địa chủ tham lam khiến chúng không làm
gì được hơn là phải bỏ trốn lẩn tránh nông dân nổi dậy. Một số người không
gia nhập phong trào, phạm nhiều tội ác với nông dân hoặc ngoan cố chống
đối đều bị trừng trị, tra tấn, nhổ răng, cắt mũi, đốt râu, cắt tai trước khi bị
treo cổ xiết họng hoặc trôi sông.
Tháng 9/1930, những người cộng sản tổ chức một cuộc biểu tình của
nông dân không trang bị vũ khí kéo về thành phố Vinh để đưa yêu sách cải
thiện điều kiện sống và yêu cầu công sứ Pháp giúp đỡ. Máy bay của không
quân Pháp can thiệp, uy hiếp đoàn biểu tình, nhưng họ vẫn tiếp tục tiến bước
trên con đường dẫn về thành phố Vinh giữa hai hàng cây và những thửa
ruộng ngập nước. Đoàn người không nao núng, không chịu giải tán phải
hứng chịu những chuỗi bom và súng liên thanh xả xuống. Những người
sống sót chạy tán loạn không nơi ẩn nấp. Kết quả trận thảm sát làm 200
người chết và bị thương.
Ở cái thời mà những nhà cầm quyền không mảy may run sợ trước dư
luận thế giới, người Pháp đã hành động nhanh chóng để diệt tận gốc sự uy
hiếp của các phong trào quần chúng đối với chính quyền thuộc địa. Họ triệt
hạ một cách có hệ thống các làng đã ủng hộ vật chất hoặc tài chính cho
những người nổi dậy. Sau đó đến lượt quân lính tràn vào các làng xóm tan