Dù thế nào, hình như Võ Nguyên Giáp đã có cuộc sống khá an toàn vào
cuối những năm 1930 trong lúc những người khác đang thật sự lâm nguy.
Xung quanh ông, nhiều đảng viên, nhiều đồng chí bị bắt hoặc phải đi đày
biệt xứ, bị giam giữ nhiều năm tại những địa ngục trần gian nổi tiếng như
Côn Đảo, thậm chí lên máy chém. Những quan hệ của ông với trùm mật
thám Marty đã chấm dứt năm 1939, khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ
hai.
Tháng 9/1932, là năm Võ Nguyên Giáp ra khỏi nhà tù, cũng là năm
người Pháp cho phép Thái tử kế nghiệp Bảo Đại từ Paris trở về Việt Nam và
làm lễ tấn phong hoàng đế cho ông. Mới 18 tuổi, Bảo Đại cảm thấy
hoàn toàn lạc lõng giữa triều đình. Ông hoàn toàn xa lạ với việc trị vì.
Hoàng Thái hậu đối xử rất nghiệt ngã và độc đoán, được thực dân Pháp
mệnh danh là “hổ cái”. Bảo Đại cảm thấy suy sụp về tinh thần và bắt đầu tổ
chức những cuộc đi săn đơn độc, dài ngày trong rừng. Tuy nhiên, nhà vua
cũng quyết tâm khôi phục một vài quyền tự chủ còn sót lại và tiến hành cuộc
cải cách nhỏ thật sự cần thiết. Trong lúc Giáp học để thi tú tài và hy vọng
vào Trường Albert Sarraut thì nhà vua đi những bước đầu tiên của công
cuộc cải cách. Không có quyền lực, cô đơn và hụt hẫng nhưng ông tỏ ra độc
lập suy nghĩ khiến người Pháp phải ngạc nhiên. Họ tưởng đã nhào nặn được
ông thành một vua ngoan ngoãn chỉ biết cúi đầu tuân lệnh trước khi để ông
trở về trị vì.
Bảo Đại không phải con người có tinh thần đấu tranh, ông hy vọng có
thể thúc đẩy liên minh Pháp - Việt trên cơ sở hiệp ước 25/8/1883 nhưng rốt
cuộc ông không thuyết phục được người Pháp cũng như không thu phục
được nhân dân trong nước. Ông ban “dụ” khi vào chầu ở điện Thái Hòa, các
quan không phải sụp lạy. Theo truyền thống, các hoàng đế rất ít tiếp xúc với
dân. Phần lớn người dân chỉ nhìn thấy vua qua các tấm ảnh chân dung. Bảo
Đại có tính rụt rè, ông muốn xóa bỏ những nghi thức rườm rà và muốn gần
gũi hơn với nhân dân. Ngoài việc xóa bỏ việc quỳ lạy của các quan khi vào
chầu, ông cũng xóa luôn chế độ “nạp phi” (chọn gái đẹp trong dân gian làm