thời đó là một cậu bé 13 tuổi, đã nhớ về Võ Nguyên Giáp như hình ảnh của
một con người bị “qủy thần ám ảnh về cách mạng và các trận chiến.”
Thầy giáo Giáp dạy về lịch sử nước Pháp từ năm 1789 đến giữa thế kỷ
19. Ông trình bày vấn đề theo cách riêng của mình. Bắt đầu buổi học, ông
đứng trước lớp nhìn thẳng vào học sinh và nói: “Có rất nhiều sách nói về
lịch sử nước Pháp thời kỳ này. Nếu muốn tìm hiểu, các em có thể tham
khảo. Tôi sẽ chỉ nói với các em về hai chủ đề: Cách mạng Pháp và
Napoleon.”
Nửa thế kỷ đã qua, ông Bùi Diễm không bao giờ quên được phương
pháp sư phạm của thầy Giáp: “Sự miêu tả chi tiết về mức độ xa hoa cũng
như đồi bại của Marie Antoinette đã đưa học trò đến một nhận định không
chút nghi ngờ về số phận dành cho nền quân chủ Pháp. Thầy Giáp sôi nổi kể
về Ủy ban Cứu quốc, Công xã Paris, về cuộc sống và cái chết của Danton và
Robespierre.” Võ Nguyên Giáp như bị hút hồn về cuộc Cách mạng Pháp và
những nhân vật thời đó. Ông Bùi Diễm nhớ lại: “Võ Nguyên Giáp không
phải chỉ là nhà sử học đơn thuần, ông còn là một trạng sư say mê, bênh vực
chính nghĩa của lịch sử.”
Đi đi lại lại một cách mạnh mẽ trong lớp, Giáp “mô tả lại từng hành
động cho thấy rõ sự phát triển trong chiến thuật và chiến lược của
Napoleon”. Từng trận đánh lớn khi Napoleon dẫn quân lính xông thẳng vào
đội hình của quân đội các nước châu Âu hay từng cuộc giao tranh của các
đơn vị nhỏ, Võ Nguyên Giáp đều nhớ chi tiết. Ông muốn học trò của ông
hiểu “tại sao một đội long kỵ binh (kỵ binh cận vệ của nhà vua) lại được bố
trí ở vị trí chính xác như thế hay đội cận vệ của Napoleon đã nổ súng đúng
lúc như thế nào để giành chiến thắng”. Lớp học im phăng phắc, đám học trò
thiếu niên đang ở tuổi hiếu động bị cuốn hút vào những câu chuyện kể hết
sức hấp dẫn như sống lại đến từng chi tiết võ công hiển hách của Napoleon.
Võ Nguyên Giáp nói rằng ông giảng giải kỹ về các trận đánh của
Napoleon đơn giản vì ông có trách nhiệm phải giảng về Cách mạng Pháp. Vì