vậy, ông phải nghiên cứu kỹ chiến lược và chiến thuật của Napoleon.
Có một thời gian ngắn, đám học trò hay gọi ông với biệt danh “ông
tướng” hay “Napoleon” vì ông say sưa giảng về chủ đề quân sự trong Cách
mạng Pháp (56 năm sau, được hỏi về các biệt danh đó, vị “tướng về hưu” đã
lâu chỉ phá lên cười với sự vui vẻ).
Theo lời đồn đại, “dáng đi và cách nói của Giáp giống hệt Napoleon,
nói những câu ngắn gọn, đầu hơi cúi, tay thọc vào túi áo vét.” Theo miêu tả
của các bạn đồng nghiệp, ông là “một con người có vẻ mặt điềm tĩnh, lạnh
lùng như một người chơi poker đang suy nghĩ nên hạ con bài nào, nhưng lại
hay giận dữ giữa những phút im lặng như hòn đá.” Người ta kể lại, một hôm
một giáo sư hỏi ông: “Không chơi kiểu Napoleon à?” Giáp trả lời: “Mình sẽ
là một Napoleon!” Có thể ông đã nghĩ đến điều đó, vì khá lâu sau, trong
những cuộc trả lời phỏng vấn, ông hay có điệu bộ như hoàng đế Napoleon
đang độc thoại trước các nhà báo.
Giáp quan tâm đến học sinh không phải chỉ trong các giờ lên lớp mà cả
trong các buổi gặp gỡ bên ngoài. Thỉnh thoảng đám học sinh đến nhà ông trò
chuyện sau những buổi lên lớp và ông luôn cố gắng tác động vào quan điểm
chính trị của họ. Ông Bùi Diễm nhớ lại Giáp có bộ Tư bản luận bằng tiếng
Pháp trên giá sách. Giáp giục ông (Diễm) nên đọc Marx và các tác phẩm có
xu hướng xã hội khác “nhưng tôi không mảy may quan tâm và còn nghi ngờ
mô hình Mác-xit mà Giáp đưa ra.”
Giáp muốn học trò của mình phải học thật giỏi. Bản thân ông đã chăm
chỉ miệt mài học tập trong những năm ở Trường Quốc học Huế, nên ông
muốn họ theo gương ông cũng hăng say học tập như thế. Khi học ở Đại học
Luật cũng thế. Ông đòi hỏi mình phải học giỏi. Vì vậy, ông để lại nhiều ấn
tượng sâu sắc trong các giáo sư dạy ông. Ông ưa thích luật và kinh tế chính
trị. Đó là những môn học ông quan tâm từ khi còn làm báo Tiếng Dân.