Năm 1947, giáo sư của Giáp ở trường Đại học Luật Hà Nội là Marcel
Ner, một đảng viên cộng sản khi nói về Giáp đã nhớ lại “đó là một con
người yêu mến tha thiết đất nước mình, say mê chủ nghĩa cộng sản.” Một
giáo sư khác thì đánh giá: “Giáp là sinh viên xuất sắc nhất ở trường Đại học
Hà Nội lúc bấy giờ […], một con người khao khát học hỏi” nhưng “lại là
người hướng nội”.
Một giáo sư người Pháp khác của Võ Nguyên Giáp là Gregoire
Kherian. Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, bọn cầm đầu hiến binh Nhật
ra lệnh bắt giữ các giáo sư, nhân viên người Pháp của trường Đại học Hà
Nội. G. Kherian lúc này là Trưởng bộ môn Kinh tế Chính trị của khoa Luật
được người Nhật cho về trường thu dọn các giấy tờ sổ sách. Ông tìm thấy
được hồ sơ của một sinh viên duy nhất - đó là Giáp mà ông muốn che chở.
Kherian nói: “Đó là anh sinh viên tôi thích nhất, anh ta học rất giỏi và can
đảm”. Khi một nhà báo phỏng vấn năm 1972, Kherian nói: “Tôi còn giữ
được hồ sơ của Giáp và một bài báo của Giáp với nhan đề Cán cân thanh
toán ở Đông Dương.” Kherian ghi nhận đó là “một bài xuất sắc viết về một
đề tài khó. Bài viết trình bày sáng sủa, xuất sắc, có phương pháp và độc
đáo”.
Tuy nhiên, kỷ niệm kỳ lạ mà Kherian còn giữ được về Giáp là cuối thời
gian học đại học, Giáp có cơ hội được rời khỏi Việt Nam để sang Pháp du
học. Ông ghi lại: “Giáp đỗ đầu môn Kinh tế Chính trị năm 1938. Hàng năm
có một giáo sư nổi tiếng từ Paris sang Việt Nam tự mình chọn lựa sinh viên
giỏi, có triển vọng để cho đi học tại Pháp qua một kỳ thi tuyển. Năm đó, là
Giáo sư M. Gaeton Pirou. Ông chính là chánh văn phòng của Thủ tướng
Paul Doumer. Ông nói với tôi là ông có ấn tượng về kết quả học tập của
Giáp và đặt cho tôi nhiều câu hỏi về Giáp. Tôi trả lời anh ta (Giáp) đang có
vấn đề với nhà cầm quyền, và đó là con người luôn luôn sôi nổi. Ông Pirou
nói: “Phải đưa anh ta ra khỏi môi trường thuộc địa. Hãy tìm cách cho anh ta
đến Paris. Anh ta có thể học bất cứ ngành nào theo ý muốn. Người ta sẽ chu
cấp cho anh ta ăn học.”