Hoàng đế trèo lên tầng trên rồi đứng cả giờ bên thi hài Thống chế, trong
căn phòng sặc mùi hôi thối. Ngài ca ngợi Marbot về lòng trung thành rồi đề
nghị Marbot cho ướp hương thơm thi hài Thống chế trước khi đưa thi hài đó
về Pháp. Vẻ mặt căng thẳng, Ngài đi theo Sainte-Croix thị sát những phần
việc cuối cùng. Ngài im lặng và chỉ mở miệng khi vào đến trang trại của
Masséna. Công tước Rivoli, một chân đang bị băng, ngồi trên chiếc ghế
bành tiếp chuyện Hoàng đế.
– Sao? Anh cũng bị thương ư? Anh bị làm sao thế? Trận đánh đã kết thúc
rồi kia mà, theo như tôi biết!
– Tôi bị ngã xuống một cái hố do một bụi cây che khuất, suốt từ khi đó,
tôi phải đi tập tễnh. Vào cái tuổi của tôi, xương rất là giòn thưa Bệ ha.
– Cầm lấy nạng và đi theo tôi.
– Bác sĩ của tôi cứ mỗi giờ lại đến thay băng, thưa Bệ hạ, chúng ta không
nên đi quá xa.
Masséna tập tễnh đi theo Hoàng đế và Sainte-Croix giải thích sự vận hành
của các con tàu mà ông đã cho để trong xưởng:
– Mỗi chiếc tàu, thưa Bệ hạ, có thể chứa đến ba trăm người. Phía mũi tàu,
có một cánh cửa mạn để nấp vào phía sau, ngay khi chúng ta cập bờ, cánh
cửa mạn được mở ra như chiếc cầu tàu để có thể từ đó nhảy xuống đất.
Hoàng đế đi thăm rất nhiều phân xưởng và các hệ thống công sự phòng
thủ, rồi Ngài muốn được đi dạo trên bờ cát nơi binh lính đang tắm như
thường lệ dưới cái nhìn nhởn nhơ của người Áo. Để tránh mọi rủi ro,
Napoléon và Thống chế chỉ mặc trang phục trung sĩ.
– Một tháng nữa, chúng ta sẽ tấn công, Hoàng đế nói. Chúng ta sẽ có
500.000người, 20.000 con ngựa, 500 khẩu pháo. Berthier đã khẳng định với
ta như vậy. Phía cuối cánh đồng đằng xa kia là cái gì vậy?
– Trại lính của Quận công Charles ạ.
– Xa thế à?
Hoàng đế cầm một nhành cây vẽ một bản đồ trên cát: