địch và nói chung là tình huống tác chiến. Trên cơ sở những tin tức đó,
phòng tác chiến làm những tính toán về mặt chiến dịch, chiến thuật cần
thiết để xây dựng quyết tâm của tư lệnh, và khi quyết tâm đã được đề ra thì
phòng tác chiến sẽ truyền đạt xuống các binh đoàn, dưới hình thức mệnh
lệnh chiến đấu hoặc chỉ thị riêng và tổ chức kiểm tra việc chấp hành.
Tất nhiên, toàn bộ công việc to lớn đó được thực hiện với sự hiệp đồng
chặt chẽ của các phòng khác trong bộ tham mưu cũng như với các ban
tham mưu và bộ tư lệnh các binh chủng cùng các ngành chuyên môn
nghiệp vụ. Do vai trò đặc biệt quan trọng của phòng tác chiến, nên trưởng
phòng đồng thời là phó tham mưu trưởng.
Phòng tác chiến bộ tham mưu tập đoàn quân 12 hồi tháng Mười năm
1940 do tôi phụ trách, gồm mười lăm sĩ quan trợ lý và trợ lý trưởng của
trưởng phòng. Nhiều người còn rất trẻ. Khi chiến tranh thế giới thứ hai
bùng nổ, Hồng quân phát triển nhanh đến nỗi ngay các cơ quan tham mưu
lớn cũng phải bổ sung những người mới hôm qua còn là trung úy. Chỉ có
thời gian và sự học tập kiên trì mới có thể giúp họ trở thành những cán bộ
tác chiến có kinh nghiệm.
Và giờ đây, các chàng trai mang quân hàm thượng úy và đại úy đang
ngồi làm việc sau những chiếc bàn trên trải những bản đồ địa hình lớn.
Người ghi vào bản đồ những tin tức mới nhất về tình hình, người soạn thảo
quyết tâm của tư lệnh tập đoàn quân, người viết báo cáo chiến đấu theo
định kỳ, người thảo mệnh lệnh. Người nào việc nấy, chăm chú vào công
việc.
Thấy một đại tá lạ bước vào, tất cả đứng dậy. Một người ngồi ở góc
phòng, tóc đen, trạc ba mươi tuổi, vẻ xốc nổi, nhanh nhẹn tiến lại phía tôi.
Mắt anh tựa như hai trái ô-liu, long lanh trên khuôn mặt rám nắng, chăm
chú và dò hỏi nhìn tôi.
– Đại úy Ai-va-dốp, - anh tự giới thiệu, - quyền trưởng phòng tác chiến.
Tôi siết chặt tay đồng chí đại úy năng nổ:
– Đại tá Ba-gra-mi-an. Được cử làm trưởng phòng của các đồng chí.