và Cu-dơ-nê-txốp nhằm diệt tan cụm quân cơ giới của địch đã đột nhập vào
hướng Rôm-nư. Theo chúng tôi, hiện nay không thể lấy thêm quân của khu
vực cố thủ Ki-ép, vì đã rút ở đây hai sư đoàn rưỡi cho hướng Tséc-ni-gốp
rồi. Chỉ có thể lấy ở khu vực cố thủ Ki-ép một phần pháo binh. Chỉ thị của
Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao mà chúng tôi vừa nhận được sẽ
được thực hiện ngay. Hết.
Bản thân Kiếc-pô-nô-xơ không nhận thấy là đồng chí bỗng nhiên đã từ
bỏ toàn bộ những gì mình vừa đề nghị. Tất cả mọi người bên cạnh hiểu
ngay điều đó. Và, tất nhiên, không thoát khỏi sự chú ý của Xta-lin. Máy lại
gõ. Lời lẽ trên băng nặng như chì:
“Thứ nhất. Những đề nghị về rút quân của Phương diện quân Tây – Nam
là xuất phát từ đồng chí và từ Bu-đi-ôn-nưi, tổng tư lệnh hướng Tây – Nam.
Đây là những đoạn trích trong bức điện của Bu-đi-ôn-nưi ngày 11…” Tiếp
theo là những câu trong bức điện của Bui-đi-ôn-nưi mà bạn đọc đã biết.
Trong đó, dựa vào đề nghị của Hội đồng quân sự phương diện quân và với
tính thẳng thắn, kiên quyết của mình, Bu-đi-ôn-nưi đã khẩn khoản đề nghị
cho rút bộ đội Phương diện quân Tây – Nam.
Máy tạm ngừng, dường như người nói ở đầu dây bên kia muốn cho
người đối thoại có thể tập trung suy nghĩ dù ít thời gian. Sau đó, dây băng
lại chuyển:
“Đồng chí thấy đấy, Sa-pô-sni-cốp phản đối rút quân, còn tổng tư lệnh
hướng Tây – Nam lại chủ trương rút, cũng như Phương diện quân Tây –
Nam thì chủ trương rút quân ngay…” Thay cho kết luận là một mệnh lệnh
phải tuyệt đối chấp hành: “… Nếu không được phép của Đại bản doanh thì
không được bỏ Ki-ép và không được phá các cầu. Hết. Tạm biệt”.
Kiếc-pô-nô-xơ vừa lau trán đẫm mồ hôi, vừa trả lời:
– Chỉ thị của đồng chí, chúng tôi đã rõ. Xin hết. Tạm biệt.
Vung tay vẻ bực tức, đồng chí chạy ra khỏi phòng đàm thoại.
– Làm gì bây giờ? – Tu-pi-cốp hỏi Buốc-mi-xten-cô.
– Phải suy nghĩ, đồng chí ạ. Mệnh lệnh là mệnh lệnh.