Bầu không khí chính trị quốc tế phức tạp cũng có ảnh hưởng. Khối đồng
minh các cường quốc chống phát-xít mới chỉ thành lập bước đầu. Có nước
mới gần đây còn đẩy Hít-le chống Liên Xô, thì nay phải chiến đấu chống
nước Đức phát-xít và ngày một tin tưởng rằng chỉ có Liên Xô mới là đồng
minh đáng tin cậy trong cuộc đấu tranh này. Nhưng lúc này, toàn bộ sức
mạnh của bộ máy quân sự phát-xít được huy động để chống Liên Xô. Liệu
Liên Xô có đứng vững trước đòn đột kích khủng khiếp này không? Ở Mỹ,
người ta còn đang tranh luận xem có nên giúp vũ khí cho nước Nga xô-viết
không. Có những giới nhất định khẳng định rằng gửi vũ khí và phương tiện
kỹ thuật sẽ không có ý nghĩa gì: đến mùa Đông, nước Nga sẽ sụp đổ và
chiến tranh sẽ chấm dứt, nước Đức phát-xít sẽ chiến thắng.
Muốn tin chắc rằng vũ khí gửi cho Liên Xô sẽ không rơi vào tay bọn
phát-xít, tháng Tám năm 1941, Ru-dơ-ven phái cố vấn thân cận nhất của
ông là H. Hốp-kin tới thăm dò. Đại diện của tổng thống nghiên cứu tỉ mỉ
tình hình trong nước và trên mặt trận Xô – Đức. Trước khi về Mỹ, trong
buổi nói chuyện chia tay với I. V. Xta-lin, Hốp-kin đặt vấn đề dứt khoát:
đến mùa đông năm 1941-1942, tuyến mặt trận sẽ tới đâu? Hốp-kin phải
mang câu trả lời ấy về cho Ru-dơ-ven.
Xta-lin trả lời: đến cuối năm 1941, tuyến mặt trận sẽ dời về phía Tây Lê-
nin-grát, Mát-xcơ-va và Ki-ép.
Hốp-kin đã mang câu trả lời đó về Mỹ.
Bắt đầu từ nửa cuối tháng Tám, bộ tư lệnh xô-viết áp dụng mọi biện
pháp để chi viện cho những chiến sĩ bảo vệ Ki-ép. Biện pháp chính là thành
lập một phương diện quân mới, Phương diện quân Bri-an-xcơ, với nhiệm
vụ: phải đánh bại những đơn vị của Gu-đê-ri-an, không cho chúng vòng
xuống phía Nam, tiến vào sau lưng Phương diện quân Tây – Nam. Đại bản
doanh không tiếc lực lượng dự bị cho việc này. Phương diện quân chúng tôi
cũng được bổ sung phần nào.
Nhưng Hốp-kin lên đường về nước chưa được hai tuần – có lẽ chưa về
đến Oa-sinh-tơn- thì bỗng nhiên, bộ tư lệnh Phương diện quân Tây – Nam
lại đề nghị Đại bản doanh cho phép rút quân khỏi tuyến Đni-ép-rơ.