Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi nghỉ ngơi trong cái làng hiếu khách này.
Anh em chiến sĩ lau chùi vũ khí, tắm rửa, sửa sang quần áo, một số còn kịp
cạo râu. Song, không phút nào chúng tôi lãng quên điều nguy hiểm, nên
vẫn bố trí bảo vệ theo vòng tròn.
Truyền đơn phát-xít ném xuống khắp nơi. Tôi có đọc một số. Toàn hững
luận điệu lừa dối và trúc trắc. Một tờ giấy cho “các ngài U-cra-i-na” và hứa
hẹn với họ, “con cháu những người ca-dắc phóng khoáng”, từ nay sẽ được
hưởng tự do thực sự. Còn cái tự do đó như thế nào thì lại được giải thích
thật rối rắm. Chỉ có một điều rõ ràng là có quyền lựa chọn: chết trên giá
treo cổ hoặc bị bắn, nếu những “người ca-dắc phóng khoáng” không phục
tùng chính quyền của người Đức. Và tiếp theo là cả một bản dài liệt kê
những việc không được làm.
Tôi triệu tập cán bộ chỉ huy. Chúng tôi cùng suy nghĩ tìm đường tiếp tục
hành quân.
May là tôi có mang theo một bản đồ tỷ lệ nhỏ (1:1000) và địa bàn.
Chúng tôi quyết định đi càng xa đường cái càng tốt để tránh chạm trán với
địch. Với mỗi đoạn đường, chúng tôi đều xác định góc phương vị chính xác
để ban đêm định hướng dễ dàng hơn.
Buổi tối, chúng tôi thân mật chia tay dân làng và nhằm hướng làng lớn
Cô-mư-sni-a với hy vọng gặp những đơn vị tiền tiêu của chúng tôi ở đó.
Một cuộc hành quân bí mật, tránh những điểm dân cư. Chúng tôi dừng lại ở
rìa làng Cô-mư-sni-a. Đô-rô-khốp táo bạo và hai sĩ quan đi trinh sát. Nửa
tiếng sau có tiếng súng bắn tiểu liên và thấy pháo hiệu bay lên. Đô-rô-khốp
vừa thở dồn dập vừa chạy vội về báo cáo.
– Bọn Đức ở trong làng! Suýt nữa chúng tôi bị tóm.
Không để mất thời gian, chúng tôi vòng qua làng. Khi tới gần ngôi làng
nhỏ Mê-lê-ski nằm trên bờ sông Khô-rôn thì trời đã rạng. Chủ ngôi nhà ven
làng cho biết ở đây không có bọn Đức. Khi đã tin chắc chúng tôi là sĩ quan
xô-viết, ông chỉ cho chúng tôi lội qua sông. Qua được sông thì đã sáng hẳn.
Tiếp tục đi thì nguy hiểm, vì xung quanh là cánh đồng trống trải. Chúng tôi