– Vẫn còn sống ư? Cừ thật!
Qua Đa-ni-lốp, tôi được biết rằng cùng đồng chí thoát vây còn có nhiều
cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị thuộc bộ tham mưu phương diện quân và
tập đoàn quân 5, rằng tham mưu trưởng bộ đội phòng không của phương
diện quân là V. A. Pên-cốp-xki cùng một nhóm sĩ quan cũng đã vượt qua
vòng vây và vẫn khỏe mạnh. Nhiều người trong số này đang có mặt ở đây,
tại A-khơ-tư-rơ-ca này, tôi vội vã chạy tới gặp anh em và tìm thấy họ ở sân
trường. Tất cả đều chững chạc, ăn mặc đúng điều lệnh, với vẻ đàng hoàng
vốn có của những cán bộ chỉ huy kỳ cựu. Chỉ có bộ quân phục đôi chỗ bị
mảnh đạn xé rách và vết thương còn cuốn băng mới cho biết những con
người này vừa xông pha vào sinh ra tử.
Ngày 27 tháng Chín, tôi tới cánh rừng phía Tây Lê-bê-đin, nơi đóng
quân của cơ quan tham mưu sư đoàn bộ binh cận vệ 1 vừa được điều từ
Phương diện quân Tây tới tăng cường cho chúng tôi. Binh đoàn quang vinh
này đã xung trận liên tục ngay từ biên giới tới Xmô-len-xcơ. Đã mấy lần,
bọn phát-xít bao vây được sư đoàn 100 – phiên hiệu trước đây của sư đoàn,
nhưng sư đoàn đều thoát vây và tiếp tục mang về những chiến công như
mọi lần. Chỉ huy sư đoàn là thiếu tướng I. N. Ru-xi-a-nốp, một nhà chiến
thuật tài ba, một chuyên gia cơ động giỏi. Không có gì đáng ngạc nhiên khi
sư đoàn đứng đầu danh sách những binh đoàn cận vệ đầu tiên.
Tôi được biết sư đoàn của Ru-xi-a-nốp từ ngày 22 tháng Chín đã cùng
các binh đội thuộc quân đoàn kỵ binh 2 tham gia phản đột kích cánh quân ở
vùng Rôm-nư của Gu-đê-ri-an. Những đòn công kích của các đơn vị này đã
trói chân những lực lượng đáng kể của địch và, qua đó, đã giảm bớt phần
căng thẳng cho những tập đoàn quân của ta đang bị bao vây.
Sư đoàn bộ binh cận vệ 1 vừa được bổ sung các chiến sĩ mới chưa từng
biết mùi thuốc súng, đã bị tổn thất nặng. Tôi phải tìm hiểu nguyên nhân tổn
thất và xác định xem sư đoàn còn khả năng tiếp tục chiến đấu tích cực được
không.
Đêm hôm ấy, tôi mới tìm thấy Ru-xi-a-nốp trong một căn nhà đốt ngọn
đèn dầu. Tôi tò mò ngắm nhìn con người đã trở thành huyền thoại. Thân