nhằm xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với sư đoàn bộ binh cận vệ 2 thuộc tập
đoàn quân 13.
Bô-đin hiểu rằng cần thỏa mãn yêu cầu đó, vì có như vậy mới bịt được
chỗ bị đứt quãng tại nơi tiếp giáp giữa hai phương diện quân. Song, chưa
có ý kiến của tổng tư lệnh, Bô-đin không dám hứa với Da-kha-rốp, và sau
khi đề nghị Da-kha-rốp đợi ở máy, đồng chí dùng đường dây liên lạc nội bộ
với Nguyên soái.
Ti-mô-sen-cô tán thành việc tách ra một chi đội nhằm bảo đảm chỗ tiếp
giáp với Phương diện quân Bri-an-xcơ, nhưng đồng thời yêu cầu các
phương diện quân tiếp xúc với nhau thường xuyên và chặt chẽ hơn, đề nghị
trao đổi các sĩ quan liên lạc với nhau. Da-kha-rốp vui vẻ đồng ý. Thế là sau
gần một tháng gián đoạn, cuối cùng chúng tôi đã khôi phục được mối liên
hệ thường xuyên và hiệp đồng chặt chẽ với Phương diện quân Bri-an-xcơ.
Việc đó đã củng cố được một cách đáng kể tình hình cánh trái của những
đơn vị đang chiến đấu ở hướng Mát-xcơ-va.
Tôi đã nói là chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng cuộc tiến công của tập
đoàn quân xe tăng 1 của địch đã thất bại, và dù muốn hay không, Clai-xtơ
buộc phải ngừng các đợt công kích vô ích. Nhưng lúc này, tướng Pha-la-lê-
ép lại bắt chúng tôi phải cảnh giác. Đồng chí gửi báo cáo tới, cho biết các
phi công của đồng chí phát hiện ở khu vực Đi-a-cô-vô và ở phía Đông Đi-
a-cô-vô, tức là đối diện với các binh đoàn sườn phải của tập đoàn quân 9,
hơn 1200 xe tăng và ô-tô.
Khi Bô-đin báo cáo điều đó với Ti-mô-sen-cô, Nguyên soái chửi đổng
hồi lâu:
– Đúng là đánh đố nhau! Cố mà đoán mò trong một nghìn chiếc xe đó có
bao nhiêu xe tăng, bao nhiêu ô-tô.
Ra lệnh cho tư lệnh Phương diện quân Nam tập trung ở dải tập đoàn
quân 9 toàn bộ pháo chống tăng dự bị, Ti-mô-sen-cô yêu cầu Pha-la-lê-ép
cho bay trinh sát lại để xác định chính xác có bao nhiêu xe tăng Đức tập
trung ở khu vực này.