đến ngày nay mỗi khi nhớ tới họ, lòng mình vẫn thấy bồi hồi xúc động, tuy
vậy, tôi vẫn cố gắng kể lại một cách hết sức khách quan và chính xác về
những điều mà mình đã được chứng kiến.
Ai đã từng cầm bút kể lại những ngày đã qua đều hiểu rằng viết về
những sự kiện mà bản thân đã trải qua không phải là chuyện dễ dàng.
Trong trường hợp như thế, đôi khi ta có cảm tưởng hành động của cấp chỉ
huy mà chính mình là thành viên thì rất lô-gích và dễ hiểu, còn hành động
của những cấp chỉ huy khác thì trái lại thấy khó giải thích, thậm chí còn sai
lầm nữa. Tôi cố tránh thói chủ quan đó và cố gắng nhìn nhận hành động
của các tướng lĩnh cũng với thái độ như khi tự đánh giá cách xử sự của
mình.
Để giúp bạn đọc hiểu được những sự kiện của thời kỳ đầu chiến tranh,
tôi định bắt đầu hồi ký của mình từ tình hình ở đặc khu Ki-ép trong những
tháng trước đó.
Cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại kéo dài 1.418 ngày. Cuốn sách này chỉ
nói tới 178 ngày đầu của nó. Đây thực ra chỉ mới là thời kỳ đầu của cuộc
chiến.
Trong 178 ngày ấy, Hồng quân không phải chỉ gánh chịu thất bại, mà còn
đã đánh địch, học tập cách chiến thắng. Trong phạm vi có hạn của mình, tôi
cố làm rõ điều đó qua việc kể lại hành động của hai Phương diện quân Tây
- Nam và Nam.
Đặc biệt, tôi có ý định giải thích những nguyên nhân khiến Bộ Tổng tư
lệnh tối cao đã tìm mọi cách trì hoãn việc rút các tập đoàn quân của Phương
diện quân Tây - Nam ra khỏi khu vực Ki-ép khi mà chủ lực của phương
diện quân đang có nguy cơ bị bao vây. Bạn đọc có thể thấy rằng việc dù bộ
đội xô-viết buộc lòng phải bỏ thủ đô U-cra-i-na sau 70 ngày phòng thủ anh
dũng và ngoan cường, nhưng sự chống trả của họ chẳng những không giảm
sút, mà trái lại còn quyết liệt hơn. Nhờ những nỗ lực to lớn ấy, chúng ta đã
khôi phục được một khu vực rộng trên hướng Ki-ép - Khác-cốp.