chính quyền, bắt đầu nổi lên gây rối. Sihanouk tố cáo phe tả đứng đằng sau
cuộc nổi loạn ở Samlaut nên cho mật vụ bắt bớ đàn áp. Khiêu Sam phan,
Hou Youn, Hu Năm phải trốn vào bưng. Kể từ lúc đó, Sihanouk mất dần sự
ủng hộ của cả phe tả lẫn phe hữu. Ngày 18-3-1970, khi Sihanouk đang nghỉ
hè ở Pháp, Quốc hội Campuchia được triệu tập, ra tuyên cáo truất phế
Sihanouk khỏi chức Quốc trưởng, tố cáo ông ta đã để bộ đội Việt nam
chiếm đóng đất đai Campuchia một cách bất hợp pháp, vi phạm sự toàn vẹn
lãnh thổ và nền trung lập của quốc gia Campuchia.
Cuộc đảo chánh kể trên đã chấm dứt đường lối chính trị đu dây của
Sihanouk. Nhân vật chính trong cuộc đảo chính là hoàng thân Sirik Matak
và tướng Lon Nol. Lon Nol xuất thân nông dân. Năm 1946, ông lập đảng
Canh Tân Campuchia. Tới năm 1955, đảng này nhập vào đảng Sangkum
của Sihanouk và Lon Nol được Sihanouk cho làm Tham mưu trưởng quân
đội. Ông ta giấu kín tham vọng, được Sihanouk tin cẩn và trở nên cánh tay
mặt của Sihanouk. Sau khi đảo chánh, Lon Nol gom tất cả Việt kiều vào
những trại tập trung, và rồi hàng ngàn người Việt bị thảm sát thả trôi trên
dòng Cửu Long. Chính phủ ngầm xúi dục dân chúng Phnom Penh biểu tình
đập phá toà đại sứ Bắc Việt và toà đại diện Việt cộng, đồng thời chính thức
yêu cầu quân lính Việt cộng rút ra khỏi những mật khu biên giới.
Ngày 30-4-1970, quân đội Sài gòn và Hoa kỳ tràn qua biên giới tấn công
các mật khu của Việt cộng ở khu Lưỡi Câu và Mỏ Vẹt, tịch thu nhiều vũ
khí, lương thực, nhưng Bộ chỉ huy Cục R chạy thoát. Mất căn cứ ở biên
giới, quân Việt cộng lùi sâu vào lãnh thổ Campuchia, đánh chiếm hầu hết
lãnh thổ vùng Đông Bắc, rồi giao lại cho quân Khmer Đỏ cai trị. Lon Nol
phản ứng lại bằng cách tăng cường quân đội, từ ba mươi lăm ngàn quân lên
một trăm ngàn trong vòng hai tháng. Dù thiếu trang bị và huấn luyện,
nhưng Lon Nol tin rằng ông ta sẽ chiến thắng. Trước hết, ông ta tin vào
lòng thù ghét Việt nam của dân chúng Campuchia, thứ hai là vì những lý do
rất mê tín. Lon Nol tin rằng Phật sẽ giúp quân lính ông chống lại ma vương