gia chính phủ. Hu Nim được cử làm phụ tá chủ bút báo đảng Sangkum,
Samphan làm Bộ trưởng Thương mại và Hou Youn Bộ trưởng Kế hoạch.
Mấy người này mới làm được một vài cải cách nhỏ thì năm sau, 1963, song
song với những cuộc biểu tình của sinh viên và Phật tử ở Việt nam, sinh
viên học sinh ở tỉnh Siem Reap cũng biểu tình phản đối cảnh sát
Campuchia tham nhũng và có những hành vi đàn áp hung bạo. Họ cũng
phản đối luôn cả Sihanouk. Đây là một biến cố tự phát, nhưng là lần đầu
tiên ở Campuchia có biểu tình phản đối chính phủ. Sihanouk nghi ngờ phe
tả xúi dục, buộc Khieu Samphan, Hou Youn, Hu Nim phải từ chức. Còn
Saloth Sar bị săn đuổi phải trốn vào rừng.
Tuy đàn áp tả phái trong nước, Sihanouk vẫn tiếp tục chính sách đối nội và
đối ngoại lưng chừng. Để Trung hoa và cộng sản Bắc Việt không viện trợ
cho cộng sản Campuchia, ông quốc hữu hoá nhũng ngành sản xuất, ngưng
nhận viện trợ Mỹ, và làm ngơ cho những hoạt động của Việt cộng ở vùng
biên giới. Mất viện trợ Mỹ, ngân sách bị thiếu hụt, Sihanouk ra lệnh thu
mua lúa gạo với giá rẻ hơn. Điều này khiến nông dân bất mãn và họ không
chịu tăng gia sản xuất. Ngay cả phe hữu cũng bất bình vì thái độ đối ngoại
thân Cộng và vì ngân sách quốc phòng bị giảm. Họ càng bất mãn hơn khi
Sihanouk đứng ra triệu tập Hội nghị nhân dân Đông dương ở Phnom Penh
năm 1966, và chỉ mời Bắc Việt, Mặt trận giải phóng, và Pathet Lào tham
dự. Vào cuối năm đó, Quốc hội Campuchia được bầu lại. Chỉ trừ Khieu
Samphan, Hou Youn và Hu Nim đắc cử, còn lại toàn là dân biểu phe hữu.
Lon Nol được bầu làm Thủ tướng, và chính phủ bắt đầu chính sách thu mua
lúa gạo một cách cứng rắn hơn.
Mầm mống bất mãn nổi lên. Sáng ngày 2-4-1967, nông dân làng Samlaut
tỉnh Battambang nổi loạn, giết chết hai binh sĩ, cướp súng ống rồi tấn công
đồn bót tỉnh ly. Cuộc nổi loạn bị dẹp tan, nhưng ở biên giới phía đông gần
vùng tam biên, Saloth Sar và Trung ương Đảng cộng sản Campuchia nghĩ
rằng thời gian đã chín mùi để có thể phát động đấu tranh vũ trang chiếm