cộng sản Đông Âu, Suslov một lần nữa, vừa kín đáo vừa công khai, khuyến
dụ Việt nam gia nhập Comecon. Một lần nữa, Việt nam từ chối, Suslov giận
dữ trở về nước trước dự định.
Tỏ ra độc lập đối với Liên xô, ngoài mục đích lấy lòng những lãnh tụ mới
của Trung hoa, Việt nam còn hy vọng xin được tiền viện trợ của các nước
Tây Âu và Hoa kỳ. Lúc đó, Hoa kỳ đã bầu một tổng thống tương đối chủ
hoà là Carter. Còn ở châu Âu, ngoài những nước Bắc Âu như Thuỵ Điển đã
công khai ủng hộ Bắc Việt trong chiến tranh, một số các nước khác cũng có
ít nhiều bất đồng với Hoa kỳ. Trong hoàn cảnh quốc tế đó, với đầu óc chủ
quan tự cho mình là quan trọng, các nhà lãnh đạo Việt nam lạc quan nghĩ
rằng họ có thể nhận được viện trợ dồi dào từ khắp nơi. Với sự mù quáng
đó, chỉ trong vòng hai năm, họ đã biến Việt nam thành một nước lẻ loi và
có lợi tức đầu người thấp nhất thế giới.
Sự mơ mộng của những lãnh tụ cộng sản già nua của Việt nam vừa đạt tới
đỉnh cao đã bắt đầu tiêu tan ngay trong những tháng đầu năm 1977.
Năm đó miền Bắc bị mất mùa. Tại miền Nam, chính sách kinh tế tập trung
và đường lối quản lý vụng về của cán bộ miền Bắc đưa vào khiến cho mức
sản xuất công nghiệp suy giảm hẳn so với trước kia. Bị ép buộc đóng thuế
hay vào hợp tác, nông dân miền Nam không chịu tăng gia sản xuất, đưa đến
cảnh Việt nam bị thiếu hụt lương thực. Tháng 3-1977, Việt nam phải kêu
gọi Liên hiệp quốc và các quốc gia cộng sản thân hữu viện trợ khẩn cấp.
Kết quả không đi đến đâu, không nước nào, kể cả Liên xô chịu giúp.
Những cố gắng để hoà giải với hai nước lân bang cũng thất bại. Tháng 2-
1977, Thứ trưởng ngoại giao Hoàng Văn Lợi tới Phnom Penh đề nghị một
hội nghị thượng đỉnh Đông dương. Đề nghị này chỉ gây thêm nghi ngờ và
dĩ nhiên bị từ chối.
Những tháng đầu năm 1977 là những tháng mà cả hai nước Việt nam và
Campuchia nín thở chờ đợi những diễn biến trong nội tình chính trị Trung
hoa sau cái chết của Mao Trạch Đông. Sau khi phe quá khích “bè lũ bốn
tên” bị thanh toán, với phe ôn hoà trở lại chính quyền, Việt nam lạc quan
hơn và Campuchia lo âu hơn vì Ieng Sary đã rất từng thân cận với Diêu
Văn Nguyên, Chủ tịch Uỷ ban ngoại giao Trung ương Đảng, trong phe “Lũ