VII quan trọng nhất. Chọc thủng được tuyến phòng thủ của đối phương ở
biên giới này, quân đội mỗi bên có thể tiến tới Sài gòn hay Phnom Penh dễ
dàng. Phía Việt nam, trú đóng tại biên giới quân khu VII, ngoài những sư
đoàn chủ lực quân khu như sư đoàn 303, 302, 5..., các trung đoàn chủ lực
tỉnh như Vàm Cỏ, Sông Bé, Gia Định..., Bộ tổng tham mưu quân đội Việt
nam sử dụng thêm quân đoàn 4 hay binh đoàn Cửu Long gồm có các sư
đoàn 7, 9 và 341. Vì binh đoàn này đóng ở vị trí chủ yếu dọc quốc lộ 1, và
sau đó được dùng làm mũi nhọn tấn công chính nên còn được tăng cường
thêm sư đoàn 2 của quân khu V. Mặt trận quân khu IX cũng quan trọng vì
đó là lãnh thổ Thuỷ Chân Lạp cũ. Phòng thủ biên giới quân khu là những
trung đoàn chủ lực tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp và những sư đoàn 4, 8,
330... chủ lực quân khu.
Cuối năm 1978, để tấn công xâm lăng Campuchia, quân khu IX được tăng
cường thêm quân đoàn 2 hay binh đoàn Hương Giang gồm các sư đoàn
chính quy 325, 304 rút từ Lào về để tấn công hướng cực nam của
Campuchia (sư đoàn 306 của binh đoàn được giữ lại làm “nghĩa vụ quốc
tế” ở Lào).
Trong những thời gian đầu, tư lệnh quân khu VII là Trần Văn Trà, tư lệnh
quân khu IX là Lê Đức Anh. Tư lệnh các binh đoàn Cửu Long và Hương
Giang là Hoàng Cầm và Nguyễn Hữu An. Khi Việt nam mở cuộc tấn công
vào Campuchia, ở mũi tấn công phía bắc, binh đoàn chính quy Tây Nguyên
hay quân đoàn 3 cũng tham chiến dưới sự chỉ huy của tướng Kim Tuấn,
cựu tư lệnh sư đoàn 320 năm 1975. Trong năm 1977, giám sát tổng quát
mặt trận là Lê Trọng Tấn, Tổng tham mưu Phó quân đội, kiêm nhiệm tư
lệnh Bộ chỉ huy Tiền Phương, đóng bản doanh ở Tân Sơn Nhất. Trong số
những tướng lãnh của Việt nam, Lê Trọng Tấn là người tham dự nhiều
chiến trường nhất. Xuất thân là một hạ sĩ quan của không quân Pháp, Lê
Trọng Tấn là một trong những tư lệnh sư đoàn đầu tiên (sư đoàn 312) cùng
với Văn Tiến Dũng (sư đoàn 320), Vương Thừa Vũ (sư đoàn 308) Hoàng
Minh Thảo (sư đoàn 304), Lê Quảng Ba (sư đoàn 316), trong chiến tranh
Đông dương thứ nhất. Trong những năm đầu tiên của chiến tranh Đông
dương thứ hai, Tấn được cử làm Cục trưởng Cục tham mưu Cục R dưới bí