đông. Sau đó không ai đóng nó lại. Các bụi cây tan hoang vẫn như khi tôi
ra đi gần bốn tuần trước. Tôi lảo đảo vào hành lang, và căn nhà toát lên
cảm giác trống vắng. Thảm cầu thang đùn lên và bạc màu nơi tôi đã nép
mình, ướt đẫm tới xương vì trận bão vào đêm xảy ra tai họa. Tôi vẫn thấy
những bước chân vấy bùn của chúng tôi đi lên thang.
Tôi theo bước chân lên phòng làm việc, và thấy trên bàn viết vẫn còn
tờ bản thảo dưới cái chặn giấy tôi đã bỏ lại vào buổi chiều khối hình trụ mở
ra. Tôi đứng đọc những luận cứ bỏ dở của mình một lúc. Bài viết về
phương hướng biến đổi của các Ý niệm Đạo đức song song với tiến trình
phát triển của văn minh, và tôi đã viết phần mở đầu của lời tiên tri trong
câu cuối cùng: “Trong vòng hai trăm năm tới, chúng ta có thể hy vọng…”
Câu viết chấm dứt đột ngột. Tôi nhớ sáng hôm ấy, chưa đầy một tháng
trước, tôi chưa thể đi tới kết luận, và đã ngừng viết để nhận tờ Daily
Chronicle từ đứa bé bán báo. Tôi nhớ mình đã xuống cổng vườn khi nó đi
ngang, và tôi đã lắng nghe câu chuyện kỳ dị của nó về “Người từ Hỏa
tinh”.
Tôi đi xuống rồi vào phòng ăn. Miếng thịt cừu và bánh mì đều đã quá
thiu, và chai bia đổ nhào, y như lúc tôi và người lính pháo binh bỏ mấy thứ
đó lại. Ngôi nhà hoang vắng. Tôi nhận ra sự hão huyền của niềm hy vọng
mong manh mà tôi đã ấp ủ từ lâu. Rồi một điều lạ xảy ra. Một giọng nói:
“Vô ích. Nhà bỏ trống. Không ai ở đây cả chục ngày qua. Đừng ở đây tự
dằn vặt mình. Không ai thoát trừ mình.”
Tôi giật mình. Phải chăng tôi đã nói lớn suy nghĩ của mình? Tôi quay
lại, cửa sổ mở phía sau tôi. Tôi bước tới cửa, đứng nhìn ra.
Cũng ngạc nhiên và sợ hãi, hệt như tôi đang đứng ngạc nhiên và sợ
hãi, kìa em họ tôi và vợ tôi - vợ tôi trắng bệch và mắt ráo hoảnh. Nàng thốt
lên một tiếng yếu ớt.
Nàng nói: “Em đến. Em biết… biết…”
Nàng đưa tay lên cổ… lảo đảo. Tôi bước tới, đỡ nàng trong tay mình.