việc ở một trại mồ côi nuôi trẻ em Tây Ban Nha mà chúng tôi đã đưa về
thành phố chúng tôi, ở Kiev, năm 1937... sau nội chiến Tây Ban Nha.
Chúng tôi không biết làm gì, nhưng bọn trẻ con Tây Ban Nha, chúng nó bắt
tay đào hầm trong sân. Chúng đã biết mọi thứ... Chúng tôi tản cư bọn trẻ về
hậu phương, và tôi, tôi đi về vùng Penza. Người ta giao cho tôi một nhiệm
vụ: tổ chức các lớp đào tạo y tá. Cuối năm 1941, tôi phải tự mình tổ chức
các kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa vì tất cả bác sĩ đã ra mặt trận. Tôi đã cấp
bằng và tự tôi cũng xin nhập ngũ. Họ gửi tôi đến gần Stalingrad, trong một
bệnh viện mặt trận.
Tôi lớn tuổi nhất trong số các cô ở đấy. Bạn tôi, Sonia Oudrougova -
chúng tôi vẫn là bạn cho đến ngày nay -hồi ấy mười sáu tuổi, cô mới học đệ
nhất, rồi theo các lớp đào tạo y tế. Chúng tôi đã ở mặt trận được ba ngày,
thì tôi tìm thấy Sonia ngồi giữa một khu rừng, đang khóc.
“Sonia, sao lại khóc?
- Sao chị lại không hiểu? Đã ba ngày nay, em có thấy mẹ đâu.”
Ngày nay, khi tôi nhắc lại chuyện đó, thì cô ấy cười.
Ở vòng cung Koursk
, tôi được chuyển từ bệnh viện ra một phân đội
vệ sinh chiến trường, làm zampolit
. Thợ giặt là những người tình
nguyện dân sự. Thường thì chúng tôi di chuyển bằng xe kéo: phải nhìn thấy
cảnh những thùng, những chậu chất đầy quần áo xếp ở giữa, những chiếc
ấm samova để nấu nước và trên cao ngất là bọn con gái váy đỏ, xanh, lục,
xám. Mọi người đều cười: “Binh đoàn thợ giặt xuất quân!” Còn tôi thì họ
gọi là “chính ủy quần áo”. Phải mất nhiều thời gian bọn con gái chúng tôi
mới ăn mặc được đàng hoàng hơn, “bảnh bao” như người ta nói.
Chúng tôi làm việc rất nặng nhọc. Chúng tôi đến nơi, người ta cho chúng
tôi một ngôi nhà tranh, một ngôi nhà hay đơn giản một túp lều. Chúng tôi
giặt ở đấy và trước khi phơi, chúng tôi cho thấm một thứ xà phòng “K” đặc
biệt. Chúng tôi cũng có DDT, nhưng loại ấy chẳng ăn thua. Chúng tôi dùng
xà phòng K, một thứ hôi thối, mùi kinh khủng. Chúng tôi phơi ngay trong
căn nhà chúng tôi giặt đồ, chúng tôi cũng ngủ luôn ở đấy. Họ cho chúng tôi