Tôi được đưa đến Gorki, trong một trường thông tin liên lạc, để theo một
lớp đào tạo nhân viên bưu điện. Tập huấn xong, tôi được bổ về quân đội
chiến đấu, trong sư đoàn số 60 bộ binh. Tôi phục vụ với cương vị sĩ quan
làm công tác bưu chính ở trung đoàn. Chính mắt tôi nhìn thấy những người
đàn ông khóc, hôn lên những chiếc phong bì, khi họ nhận thư ở ngoài mặt
trận. Nhiều người bị mất liên lạc với gia đình, tất cả người thân của họ đã
chết, hoặc sống trong vùng bị địch chiếm, nên họ không thể nhận được thư
từ. Chúng tôi bèn viết cho họ những bức thư của người nữ không quen biết:
“Anh lính thân yêu, đây là một cô gái trẻ không quen biết viết cho anh. Anh
đánh địch thế nào? Khi nào anh mang Chiến thắng trở về?” Chúng tôi viết
thâu đêm. Trong chiến tranh, tôi đã viết hàng trăm bức thư...”
Maria Alexeïevna Remneva,
thiếu úy, bưu tá
“Bốn năm chiến tranh, tôi toàn đi trên đường... Tôi đi theo các tấm bản
chỉ dẫn: “Quân nhu Chtchoukine”, ”Quân nhu Kojouro”. Ở trung tâm tiếp
tế, chúng tôi được giao thuốc lá, thuốc điếu, đá lửa, tóm lại tất cả những thứ
không thể thiếu ngoài mặt trận - và rồi, lên đường! Khi đi ô tô, khi xe kéo,
nhưng thường nhất là đi bộ, có một hay hai người lính đi cùng. Vác tất cả
trên lưng. Ngựa không thể kéo đến tận chiến hào, bọn Đức sẽ nghe tiếng
cọt kẹt. Đeo tất cả trên người. Trên lưng. Thế đấy, cô gái thân mến...”
Elena Nikiforovna Ievskaïa,
binh nhì, tiếp tế
XÀ PHÒNG ĐẶC BIỆT “K” VÀ NHỮNG LỆNH BẮT GIAM
NGHIÊM KHẮC
“Tôi lấy chồng ngày 1 tháng Năm... Đến ngày 22 tháng Sáu, chiến tranh
bùng nổ. Những chiếc máy bay Đức đầu tiên bay trên thành phố. Tôi làm